Long An trở thành quán quân thu hút vốn FDI khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Tính thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1.191 dự án FDI của nhà đầu tư đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, với vốn đăng ký trên 10,4 tỷ USD. Trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn giải ngân đầu tư trên 3,6 tỷ USD...

Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An vừa được công bố tại buổi họp báo quý 2/2023 cho biết, tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm ước tăng 3,43%.

Trong đó, khu vực 1 tăng 3,71%; khu vực 2 tăng 3,4% và khu vực 3 tăng 4,06%. Cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,41%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 50,92%; khu vực dịch vụ chiếm 27,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,54%.

Thu hút đầu tư đạt nhiều thành tựu

Mặc dù tốc độ tăng trưởng chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đây là mức tăng trưởng tích cực, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2023. Đặc biệt trong lĩnh vực thu hút đầu tư, thành lập mới doanh nghiệp, tỉnh Long An tiếp tục dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Long An có 801 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 5,8% so với cùng kỳ), với tổng số vốn đăng ký 9.391 tỷ đồng. Theo đó, nâng tổng số doanh nghiệp hiện có lên hơn 16.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 362.517 tỷ đồng; trong đó có 11.866 doanh nghiệp đang hoạt động… Trong cùng thời gian này có gần 3.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh, nâng tổng số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn lên 74.405 hộ.

Về thu hút đầu tư trong nước (DDI), Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An đã cấp chủ trương đầu tư cho 32 dự án, tổng vốn đăng ký mới là 35.492 tỷ đồng (tăng gần 22.000 tỷ đồng so với cùng kỳ); điều chỉnh vốn tăng vốn cho 11 dự án với vốn đầu tư tăng thêm hơn 4.200 tỷ đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 2.173 dự án DDI với số vốn đăng ký hơn 253.656 tỷ đồng.

Về đầu tư nước ngoài (FDI), trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án (tăng 15 dự án), vốn đầu tư cấp mới trên 408 triệu USD (tăng 162 triệu USD so với cùng kỳ); điều chỉnh vốn cho 35 dự án. Tính thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1.191 dự án FDI của nhà đầu tư đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, với vốn đăng ký trên 10,4 tỷ USD. Trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn giải ngân đầu tư trên 3,6 tỷ USD. Long An là địa phương nhiều năm liền giữ vị trí "quán quân" trong thu hút FDI của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Trương Văn Liếp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, trong thời gian qua, địa phương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội; quy mô kinh tế của tỉnh đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm hơn 13% trên tổng quy mô của vùng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2015 - 2020 đạt hơn 9%/năm; nhưng do năm 2021 tỉnh Long An chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt 1,02%, kéo theo giai đoạn 2015-2021 chỉ đạt 7,88%.

Nhiều dư địa để phát triển kinh tế

Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cho biết, mục tiêu của Long An là trở thành tỉnh phát triển công nghiệp của khu vực phía Nam. Đề hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh đã đưa vào quy hoạch để phát triển 37 khu công nghiệp với diện tích đất công nghiệp khoảng 15.000 ha.

Hiện nay, đã có 18 khu công nghiệp và 24 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, tổng diện tích đất khoảng 4.200 ha. Các khu, cụm công nghiệp của Long An tập trung chủ yếu tại các huyện tiếp giáp với TP.HCM và đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh sẵn sàng chào đón doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Long An.

Các đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đã cho thuê gần 2.800 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 65,2%. Trong đó, có 878 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 6,1 tỷ USD và 930 dự án DDI với tổng vốn đăng ký trên 133.414 tỷ đồng.

Hiện nay, giá thuê đất của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh dao động từ 140 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê. Trong đó giá cho thuê đất tại khu công nghiệp Đông Nam Á có mức giá cao nhất, từ 250 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê.

Đối với cụm công nghiệp hiện có 23 cụm công nghiệp hoạt động thu hút 688 dự án với tổng diện tích đất đã cho thuê hơn 812 ha. Tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp đang hoạt động đạt 87,5%.

Theo ông Trương Văn Liếp, Long An đang xây dựng kế hoạch hướng đến trở thành một trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo; là cửa ngõ kết nối thông suốt, thuận tiện giữa vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long…

Trong giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Long An đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 9,0 - 9,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng/người.

Có thể bạn quan tâm