Trước những tin đồn về việc MSB sẽ nhận sáp nhập PGBank trong thời gian tới, đại diện của ngân hàng này cho biết, "đến thời điểm hiện tại nội bộ MSB vẫn chưa có bất cứ thông tin nào tương tự như vậy được đưa ra và có thể khẳng định rằng là không có chuyện đó".
Tuy nhiên, trong một động thái mới đây, PGBank vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Hùng làm Quyền Tổng giám đốc từ ngày 2/11. Cùng thời điểm, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động cũng như miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc của ông Hùng tại MSB cũng có hiệu lực.
Trước đó, vào hồi trung tuần tháng 5 vừa qua, một "tướng" khác của MSB là ông Hoàng Xuân Hiệp cũng bất ngờ đầu quân cho PGBank và đảm nhiệm vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.
Theo cập nhật cơ cấu cổ đông PGBank, cổ đông lớn nhất của ngân hàng này hiện nay vẫn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), MSB cập nhật tới cuối năm 2018 cũng là cổ đông lớn, sở hữu 9,98% PGBank. Năm 2019, lãnh đạo MSB khẳng định sẽ thoái vốn song tới nay chưa rõ hiện trạng.
Trước khi có tin đồn về chung nhà với MSB, PGBank đã từng “lỡ duyên” với Vietinbank trong giai đoạn đầu năm 2018. Đến tháng 4/2018, PGBank ký thỏa thuận sáp nhập vào HDBank, đồng thời được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc.
Tưởng chừng như mọi thứ đã được an bài nhưng đến nay, thương vụ này vẫn chỉ dừng lại ở thỏa thuận sáp nhập và chưa có thêm một diễn biến mới nào.
Đầu năm 2019, Chủ tịch HĐQT PGBank Bùi Ngọc Bảo cho biết, việc sáp nhập với HDBank kéo dài hơn dự kiến đã ảnh hưởng đến công tác phát triển kinh doanh chung cũng như tăng trưởng dư nợ của ngân hàng trong năm qua.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 6 vừa qua, đại diện Petrolimex, Thành viên HĐQT PGBank ông Trần Ngọc Năm cho biết Petrolimex đã có văn bản gửi sang HDBank với tư cách một cổ đông thông báo với HDBank, đến ngày 31/08/2020, không thực hiện được vấn đề sáp nhập, Petrolimex sẽ thoái vốn, đồng nghĩa với việc sẽ không thực hiện sáp nhập.
Cho đến thời điểm này HDBank vẫn lặng im, chưa có một động thái nào liên quan tới thương vụ sáp nhập với PGBank.
Trong báo cáo mới đây, nhóm phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đánh giá: "Khả năng HDBank mua lại PGBank khá thấp".
Kinh doanh “lẹt đẹt”
Vừa qua, PGBank đã công bố BCTC hợp nhất quý III/2020 với lợi nhuận trước thuế giảm 70% so với cùng kỳ còn 21,2 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng trưởng âm chủ yếu do ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Trong quý III, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 248 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động dịch vụ tương đương với cùng kỳ năm ngoái ở mức 5 tỷ. Lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm gần một nửa xuống 6 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác lại tăng 195% đạt 49 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn cổ phần trong quý 3/2020 của Pgbank ở mức 2,6 tỷ, giảm 82% so với cùng kỳ.
Tổng thu nhập hoạt động trong kỳ tăng 24% so với cùng kỳ thì chi phí hoạt động tăng nhẹ hơn, chỉ tăng 8,3% lên 151 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tăng vọt hơn 3 lần lên 139 tỷ đồng, cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý III của ngân hàng giảm mạnh với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của PGBank đạt 131 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của PGBank đạt 33.396 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 5% đạt 24.886 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 9,9% đạt 27.913 tỷ đồng.
Nợ xấu nội bảng giảm 33% xuống mức 715 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng giảm từ 3,16% xuống mức 2,87%.
PGBank tiền thân là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Đồng Tháp Mười, được thành lập năm 1993. Sau khi có sự tham gia của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex, ngân hàng đã có những dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, từ năm 2012, kết quả kinh doanh của PG Bank bắt đầu lao dốc.
Trong 8 năm sau đó, lợi nhuận của PG Bank đều tăng giảm có quy luật, lợi nhuận năm trước tăng thì năm sau sẽ giảm mạnh và ngược lại.
Hiện, PGBank đang có kế hoạch nộp hồ sơ đăng kí giao dịch 300 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM, do đó từ giữa tháng 10, ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông để đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.