LPBank huỷ kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông, dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 16,8%

LPBank vừa thông báo tạm dừng thực hiện các thủ tục triển khai phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ năm 2024, đồng thời xem xét trình Đại hội đồng cổ đông phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 16,8%...

LPBank huỷ kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông, dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 16,8%

Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank – mã chứng khoán: LPB) vừa thông qua việc tạm dừng thực hiện các thủ tục triển khai phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ năm 2024.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra tháng 4, LPBank năm 2024 đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, ngân hàng dự kiến chào bán thêm 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng chứ không qua chia cổ tức là do đã xác định không chia cổ tức trong vòng 3 năm tới.

“Việc không chia cổ phiếu nhằm từng bước xây dựng nền tảng và tăng cường năng lực tài chính thông qua việc sử dụng lợi nhuận để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư vào các dự án trọng điểm”, đại diện LPBank nhấn mạnh.

Tuy nhiên, LPBank cho biết để đảm bảo tối đa lợi ích cho cổ đông, Hội đồng quản trị ngân hàng đã thông qua nghị quyết về việc tạm dừng thực hiện các thủ tục triển khai phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ năm 2024.

Thay vào đó, LPBank sẽ xem xét trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2023 tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến vào tháng 8/2024. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 16,8%.

Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của LPBank dự kiến đạt 29.872 tỷ đồng, nằm trong top các ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất toàn hệ thống.

LPBank cho biết việc tăng vốn điều lệ nhằm mục đích nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tối đa hóa lợi ích cho cổ đông, khách hàng và đối tác.

Một nội dung đáng chú ý khác, vừa qua Hội đồng Quản trị LPBank đã quyết định miễn nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc đối với bà Lê Thị Thanh Nga và ông Nguyễn Thanh Tùng từ ngày 1/6/2024, theo nguyện vọng cá nhân.

Được biết, bà Lê Thị Thanh Nga có hơn 22 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bà gia nhập LPBank vào năm 2008 và được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc vào ngày 6/1/2016.

Ông Nguyễn Thanh Tùng gia nhập LPBank vào năm 2009, được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc vào ngày 02/12/2013. Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Đồng thời, LPBank cũng bầu ông Lê Minh Tâm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng.

Theo giới thiệu, ông Lê Minh Tâm sinh năm 1971, tốt nghiệp Cử nhân kinh tế Đại học Ngân hàng TP.HCM, Thạc sỹ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Học viện Công nghệ Massachusetts và Thạc sỹ chuyên ngành Luật tại Trường Luật Fletcher, Đại học Tufts, Massachusetts, Hoa Kỳ. Ông cũng trải qua khoá lớp đào tạo chuyên sâu về Quản trị ngân hàng ở Thụy Điển và Quản trị chiến lược các định chế tài chính ở Israel.

Trước đó, ông Tâm được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị LPBank từ ngày 23/4/2023.

Về kết quả kinh doanh quý 1/2024, LPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 3.464 tỷ đồng, tăng 24,9% do tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều cải thiện, hoạt động kinh doanh của cá nhân và doanh nghiệp bắt đầu phục hồi và cần bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh. Ngân hàng đã giải ngân cho vay đáp ứng vốn cho nền kinh tế dẫn tới thu nhập lãi thuần tăng so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh như lãi từ hoạt động dịch vụ tăng gấp 3,6 lần lên mức 818,8 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng 2,3%, đạt 148,7 tỷ đồng.

Kết thúc quý 1/2024, LPBank báo lãi trước thuế đạt 2.886 tỷ đồng, tăng 84,4% và hoàn thành 27,4% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Về chiến lược kinh doanh năm 2024, đại diện LPBank cho biết ngân hàng xác định sẽ tập trung chuyển đổi mô hình, chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ. Quan trọng hơn cả, LPBank cũng đặt mục tiêu kinh doanh với mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2023. Tổng tài sản dự kiến đạt 427.260 tỷ đồng, tăng 11,6%. Tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,8% (kế hoạch tăng trưởng tín dụng thực tế có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước). Huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 317.380 tỷ đồng, tăng thêm hơn 32.000 tỷ so với năm trước, tương đương tăng trưởng khoảng 11,2%.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 26/6, cổ phiếu LPB đóng cửa ở mức 28.750 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của ngân hàng trên thị trường đạt khoảng 73.531 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2024-06-26-luc-152108-5939.png
Thị giá cổ phiếu LPB trong thời gian gần đây

Trong năm nay, Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định LPBank có nhiều triển vọng cho tăng trưởng lợi nhuận. Điều này bắt nguồn từ các động lực chính như ngân hàng sẽ ghi nhận khoản phí trả trước trên 2.000 tỷ đồng trong 1 - 2 năm khi ký kết thành công hợp đồng hợp tác độc quyền bảo hiểm với Dai-ichi Life, từ đó gia tăng thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

Ngoài ra, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2024 duy trì ở mức cao (ước tính trên 15%) được hỗ trợ bởi ngành xây dựng tiếp tục hưởng lợi từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công, ngành sản xuất phục hồi nhờ các đơn hàng tăng trở lại ở các thị trường xuất khẩu lớn và nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân tăng vào cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động giảm thấp trong năm 2023 thường có độ trễ từ 3 - 6 tháng giúp cải thiện tỷ lệ NIM năm 2024, dao động ở mức 3,3 - 3,5%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...