Lúng túng khi bồi thường thiệt hại cho người dân trong khu vực công trình điện gió

Đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến đóng góp về vấn đề bồi thường cho người dân trong khu vực công trình điện gió…

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre)
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre)

Sáng 20/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết, thời gian qua đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đã tiếp nhận, tổng hợp nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, một số vấn đề cử tri tỉnh Bến Tre đã kiến nghị nhiều lần, mặc dù đã được các cơ quan có thẩm quyền phản hồi nhưng chưa được giải quyết trong thực tế.

Cụ thể, một số người dân hiện đang bức xúc và chính quyền địa phương đang lúng túng trong việc xử lý vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của các công trình điện gió trên bờ.

Theo đại biểu, thông tư số 02/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương có quy định về hành lang an toàn của cột tháp gió và công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300m. Nhưng hiện tại vẫn chưa có quy định, hướng dẫn việc nhà ở, công trình kiến trúc, vật nuôi có được phép tồn tại trong hành lang an toàn của cột tháp gió hay không và cũng không quy định cụ thể thế nào là khu dân cư....

Đại biểu đoàn Bến Tre nhấn mạnh, vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân sống trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của các công trình điện gió trên bờ là vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn. Các quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa đủ để áp dụng giải quyết thỏa đáng vấn đề trên.

Bên cạnh đó, việc UBND cấp tỉnh ban hành quy định cụ thể gặp khó khăn do các hạn chế về trình độ chuyên môn, trang thiết bị, các cơ quan tham mưu chưa đủ sức đánh giá, tính toán các thiệt hại do công trình điện gió gây ra.

Đại biểu đã đưa ra kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan kịp thời có văn bản hướng dẫn về bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió của nhà máy điện gió, thiệt hại từ tiếng ồn do công trình điện gió gây ra.

Việc bồi thường sẽ là cơ sở cho địa phương giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của người dân, ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo đã được phê duyệt theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài ra, bà Yến Nhi cũng kiến nghị bổ sung trường hợp bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng các công trình năng lượng tái tạo vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình tại kỳ họp để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ áp dụng thực hiện trong thời gian tới.

Xem thêm

EVN quyết định tăng giá điện, cổ phiếu ngành điện chịu “tác động kép” như thế nào?

EVN quyết định tăng giá điện, cổ phiếu ngành điện chịu “tác động kép” như thế nào?

Theo các chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh tăng giá điện của EVN được cho là không mang lại lợi nhuận cao hơn cho các nhà máy điện nhưng sẽ tác động tích cực tới các cổ phiếu ngành điện. Ngược lại, giá vốn bán hàng tại một số doanh nghiệp như thép, hóa chất, giấy sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực...

Có thể bạn quan tâm