Doanh nghiệp sốt ruột chờ cơ chế điện mặt trời áp mái

Tiêu chuẩn xanh, phát triển kinh tế bền vững đang là xu thế chung của thế giới, trong đó có ngành điện. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang mong sớm có quy định rõ ràng về điện mặt trời áp mái để phát triển xu hướng trên…

3335_Bai_chinh.jpg
Cần nhanh chóng ban hành cơ chế cho điện mặt trời áp mái

Nhiều chuyên gia nhận định, hành lang pháp lý và các hướng về quy định lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho nhu cầu tự dùng chưa có, những quy định liên quan về đấu nối với lưới điện, phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng… cho mô hình này cũng chưa rõ ràng, nên nhiều doanh nghiệp sản xuất chưa dám đầu tư lắp đặt.

ĐANG XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH

Vừa qua, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, quy hoạch điện VIII được Chính phủ phê duyệt với tổng công suất nguồn điện là 150.489MW (không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới), tăng 21.000MW so với tổng công suất nguồn điện trong quy hoạch điện VII điều chỉnh (130.000MW).

Trong đó, tổng công suất lắp máy của điện mặt trời là 12.836MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), chiếm 8,5% tổng công suất nguồn, gồm 10.236MW điện mặt trời tập trung và 2.600MW điện mặt trời tự sản tự tiêu; tổng công suất lắp của điện gió trên bờ là 21.880MW, chiếm 14,5%; điện gió ngoài khơi 6.000MW, chiếm 4%; điện sinh khối và điện rác 2.270MW, chiếm 1,5%.

Như vậy, tổng công suất lắp các nguồn điện từ năng lượng tái tạo không kể thủy điện đã chiếm tỷ trọng 28,5% tổng công suất nguồn điện. Đây là một tỷ trọng rất lớn kể cả so sánh với những nước phát triển có trình độ công nghệ cao, sở hữu hệ thống lưới điện thông minh và các thiết bị lưu trữ điện năng ở mức cao. Theo số liệu thống kê, những nước này nếu không liên kết lưới điện khu vực, tỷ lệ năng lượng tái tạo cũng chỉ dao động quanh mức 20%.

Bộ Công Thương cũng đang trình Chính phủ cho ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp trên cơ sở nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

BotruongBoCongThuong61123.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong điều kiện hạ tầng công nghệ hiện tại của Việt Nam, để thực hiện được các mục tiêu trên phải tập trung nghiên cứu đầu tư phát triển hệ thống lưới điện thông minh và các thiết bị lưu trữ điện năng. Đồng thời, thúc đẩy thị trường điện trên 3 cấp độ là phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Bên cạnh đó, biểu giá bán lẻ điện thì cũng phải nghiên cứu để có tính linh hoạt hơn.

Đối với giá điện, hiện nay, các nhà máy nhiệt điện, thủy điện được huy động, phát điện theo các quy định về vận hành hệ thống điện và thị trường điện bán buôn cạnh tranh.

Với tỷ trọng huy động năng lượng tái tạo cao trong hệ thống, để có thể bù đắp cho việc huy động điện năng lượng tái tạo khi đây là các nguồn điện phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết, cần thiết phải nghiên cứu xây dựng cơ chế giá điện cho các nguồn điện mới như pin tích trữ năng lượng, phát triển thủy điện tích năng là các nguồn điện linh hoạt cao, ngoài ra cũng cần phải khuyến khích phát triển hệ thống điện mặt trời tự sản tự tiêu tại các nơi có phụ tải tăng cao.

Như vậy, để khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, cần phải đẩy mạnh khuyến khích các hoạt động đầu tư điện mặt trời tự sản tự tiêu, không nối lưới; phải đẩy mạnh phát triển các loại thiết bị lưu trữ điện, nghiên cứu phát triển lưới điện thông minh, xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp và thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh.

"Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang trình Chính phủ ban hành nghị định để phát triển điện mặt trời mái nhà, khi Chính phủ có chủ trương cho phép xây dựng nghị định theo khuyến nghị của Bộ Tư pháp thì Bộ Công Thương sẽ xây dựng theo quy trình", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu ý kiến.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chia sẻ, việc phát triển điện mặt trời mái nhà không giới hạn về công suất, đó là trong bối cảnh mà công nghệ của chúng ta sau này phát triển và các nhà đầu tư về điện mặt trời mái nhà không được gây áp lực lên hệ thống điện truyền tải. Bởi lẽ, nếu không có nguồn điện phục vụ chạy nền ổn định thì không quốc gia nào có thể phát triển một cách vô hạn định đối với điện từ năng lượng mặt trời.

NHU CẦU ĐIỆN “SẠCH” CAO

Trên thực tế, vẫn chưa có quy định rõ ràng về loại điện này, việc thiếu cơ chế, hành lang chính sách nên nhiều công ty dù đã có định hướng sản xuất năng lượng sạch nhưng vẫn chưa dám khởi động nhập vào công cuộc “xanh hóa” bất luận nhu cầu thị trường là rất lớn. Còn những doanh nghiệp dám khởi nghiệp đều trong tình trạng phải tự thân vận động, vừa làm vừa thắc thỏm hóng… cơ chế.

Chia sẻ bên thềm Hội thảo Phát triển bền vững 2023 ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Copper Mountain Energy Solar (CME Solar) cho biết, nhu cầu lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà xưởng, khu công nghiệp đang tăng cao trong các lĩnh vực sản xuất của các công ty FDI tại Việt Nam, đặc biệt là ngành điện tử, bán dẫn và dệt may.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đang rất cần điện mặt trời mái nhà để đáp ứng các mục tiêu về giảm phát thải, thực hành phát triển bền vững hay đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường xanh (LEED, Lotus...), các yêu cầu về tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo từ chuỗi cung ứng toàn cầu...

Ảnh màn hình 2023-11-16 lúc 14.19.03.png
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Copper Mountain Energy Solar (CME Solar)

“Khi đã cam kết phát thải ròng bằng 0, các thương hiệu và nhà sản xuất quốc tế tại Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng sang các nguồn tái tạo nên đây cũng là cơ hội cho thị trường năng lượng mặt trời phân tán phát triển ở Việt Nam”, ông Kiên nhấn mạnh.

Điện mặt trời mái nhà trên các nhà máy/cơ sở sản xuất kinh doanh là nguồn điện sạch có khả năng bổ sung nguồn điện một cách nhanh chóng dựa trên các lợi thế sẵn có của Việt Nam như: Bức xạ mặt trời cao, diện tích mái sẵn có lớn với tiềm năng lên tới 48GW, không chiếm dụng diện tích đất lớn, tiêu thụ điện tại chỗ, ít gây áp lực lên hệ thống truyền tài điện, nhất là trong bối cảnh nhu cầu điện dự kiến tăng ở mức cao để đáp ứng nhu cầu phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, nhu cầu của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI về sử dụng dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng đòi hỏi các thị trường đã trở nên bức thiết và đã trở thành một yếu tố quan trọng đảm bảo tính cạnh tranh.

Ở bình diện thu hút đầu tư của mỗi địa phương và cả nền kinh tế thì việc đáp ứng nhu cầu về năng lượng tái tạo trở thành yếu tố quan trọng gia tăng tính cạnh tranh và dần trở thành yêu cầu bắt buộc. Điện mặt trời mái nhà trên các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh với khả năng đáp ứng đáng kể nhu cầu sử dụng điện tái tạo trực tiếp của doanh nghiệp với thời gian thi công ngắn là sự lựa chọn kịp thời, hiệu quả.

Theo Chủ tịch CME, định hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo thể hiện qua Quy hoạch điện VIII, không hạn chế đối với mô hình phát triển điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu, mô hình đầu tư điện mặt trời áp mái trên mái nhà máy,cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tại chỗ sẽ sớm có chính sách đồng bộ, khuyến khích phát triển.

Với mô hình tự sản tự tiêu này, doanh nghiệp sẽ cam kết tiêu thụ 100% hoặc phần lớn lượng điện do hệ thống điện mặt trời áp mái sản xuất ra, áp dụng giải pháp không phát ngược lên lưới điện (Zero Export).

6d9c3ba1eb20307e6931-1024x768.jpg
Nhu cầu của các doanh nghiệp sử dụng dụng năng lượng tái tạo khá lớn

Ngoài ra, CME cũng thấy rằng, nên có chính sách để tận dụng và tối ưu hóa nguồn điện này; khi nhu cầu điện có thể tăng mạnh trong thời gian tới cũng như ở một số thời điểm nhất định thì cơ quan điện lực có thể mua phần sản lượng mà doanh nghiệp không sử dụng hết theo sự điều tiết của Cơ quan điện lực.

Việc mua bán này sẽ được bàn luận với mức giá thảo thuận từng thời kỳ, vừa đảm bảo sự điều tiết hệ thống, vừa tiết giảm chi phí và bổ sung được nguồn điện đáp ứng cho phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.

Chia sẻ về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), ông Kiên nghĩ rằng, đây sẽ là bước tiến phát triển thị trường điện với sự tham gia ngày càng đa dạng của nhiều thành phần với tư cách của bên mua, bên bán, bên truyền tải điện, điều tiết điện…

Nếu chính sách được xây dựng linh hoạt cho cả các nhóm hộ gia đình, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp sản xuất... sẽ tận dụng được những ưu điểm của điện mặt trời mái nhà, đồng thời đóng góp cho mục tiêu chung của quốc gia về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải, hướng đến Net Zero vào năm 2050.

Xem thêm

Doanh nghiệp tự cứu mình bằng điện mặt trời mái nhà

Doanh nghiệp tự cứu mình bằng điện mặt trời mái nhà

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đến năm 2021, thành phố đã lắp đặt được 2.102 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất 33,82MWp. Sản lượng điện mặt trời mái nhà tăng qua các năm, đến hết năm 2021 đạt gần 19 triệu kWh.

Có thể bạn quan tâm