Masan, ACB, HAGL… trấn an cổ đông trước lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ

Trước lo ngại từ việc Mỹ áp thuế 46% với hàng hóa Việt Nam, Masan, ACB, HAGL và nhiều doanh nghiệp khác đồng loạt trấn an cổ đông khi khẳng định hoạt động kinh doanh ít bị ảnh hưởng và đã có chiến lược ứng phó phù hợp...

Cổ phiếu MCH tiếp tục giảm bất chấp hợp tác với Manchester City
Cổ phiếu MCH tiếp tục giảm bất chấp hợp tác với Manchester City

Trong bối cảnh Hoa Kỳ bất ngờ áp mức thuế lên tới 46% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam, làn sóng lo ngại đã nhanh chóng lan rộng trong giới đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ông lớn trong các lĩnh vực tiêu dùng, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp, hạ tầng... đã đồng loạt lên tiếng, khẳng định nội lực doanh nghiệp đủ mạnh để ứng phó với mọi kịch bản xấu nhất.

Một trong những doanh nghiệp nổi bật trong số đó là Tập đoàn Masan. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan, đã gửi một tâm thư tới các nhân sự trong tập đoàn, nhằm làm rõ những ảnh hưởng của các chính sách thuế quan mới của Mỹ và cách thức Masan sẽ ứng phó.

Theo ông Quang, dù mức thuế quan được đề xuất có thể gây ra những lo ngại ban đầu, nhưng tác động đến Masan Consumer và các mảng kinh doanh khác của tập đoàn là rất hạn chế. Thứ nhất, thị trường Mỹ hiện đóng góp chưa đến 1% vào tổng doanh thu của Masan Consumer, do đó tác động từ chính sách thuế quan mới sẽ không quá lớn đối với tập đoàn.

Bên cạnh đó, Masan High-Tech Materials, một trong những đơn vị thành viên của Masan, đã được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế quan mà Mỹ công bố.

291c48775916ea48b307.jpg
Bức tâm thư Chủ tịch Masan gửi các cổ đông

Ông Quang cũng nhấn mạnh rằng, Masan là doanh nghiệp tiêu dùng - bán lẻ chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa. Chính vì thế, trong mọi tình huống kinh tế, Masan vẫn giữ vững được chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng, ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thay đổi trong chính sách thuế quan quốc tế.

Tuy nhiên, ông Quang cũng không chủ quan. Mặc dù hiện tại các yếu tố trên giúp Masan giảm thiểu tối đa tác động của chính sách thuế quan mới, tập đoàn vẫn liên tục theo dõi và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tương lai.

Ở lĩnh vực tài chính – ngân hàng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng giữ vững lập trường kiên định giữa bối cảnh tỷ giá biến động và dòng vốn đầu tư nước ngoài tiềm ẩn nhiều thay đổi. Tại Đại hội cổ đông ngày 8/4, ban lãnh đạo ACB khẳng định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025 vẫn giữ nguyên. Với tỷ lệ nợ xấu quý I/2025 giảm nhẹ về mức 1,34%, ACB đang thể hiện khả năng kiểm soát rủi ro hiệu quả.

Bên cạnh tăng trưởng tín dụng và huy động vốn, ACB cũng đồng thời mở rộng hệ sinh thái tài chính thông qua đầu tư vào công ty con, đẩy mạnh mảng thu phí – đặc biệt là từ thẻ và thanh toán quốc tế, đồng thời thúc đẩy ngân hàng số như một vũ khí cạnh tranh lâu dài. Trong mọi biến động, ACB cho thấy bản lĩnh và sự chuẩn bị toàn diện cho giai đoạn phát triển sắp tới.

Một doanh nghiệp khác cũng lên tiếng mạnh mẽ là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) trấn an cổ đông rằng hoạt động kinh doanh của HAGL không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ, do sản phẩm chủ lực là chuối không xuất khẩu sang thị trường này mà chủ yếu tiêu thụ tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Không những vậy, giá xuất khẩu chuối sang Trung Quốc đã tăng 10% trong tuần qua, vượt mốc 12 USD/thùng – minh chứng rõ ràng cho sức cầu ổn định và đà tăng trưởng không bị lung lay bởi biến động bên ngoài.

Đặc biệt, việc tỷ giá USD tăng thời gian gần đây còn đang mang lại lợi thế doanh thu cho HAGL khi chi phí đầu vào được tính bằng VND. Bầu Đức cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát các chính sách quốc tế để kịp thời điều chỉnh chiến lược bảo vệ lợi ích cho cổ đông.

Ở một lĩnh vực hoàn toàn khác, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã chứng khoán: CII) cũng đã lên tiếng làm rõ bối cảnh nhằm tránh gây hiểu nhầm về khả năng bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới. Theo đại diện công ty, hơn 95% tổng vốn đầu tư hiện tại của CII tập trung vào lĩnh vực hạ tầng trong nước. Đây là những lĩnh vực thuần nội địa, vì vậy hoàn toàn đứng ngoài vòng ảnh hưởng của chính sách thuế xuất nhập khẩu.

Công ty hiện không có khoản vay nào bằng đồng USD, và cũng không có kế hoạch huy động nguồn vốn ngoại tệ trong tương lai gần. Điều này giúp CII miễn nhiễm với rủi ro tỷ giá. Chưa kể, hoạt động kinh doanh của CII còn được hưởng lợi từ môi trường vĩ mô tích cực trong nước, khi Chính phủ đang tăng tốc đầu tư công và đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ.

Trong khi đó, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG), ông Nguyễn Đức Tài tuy không đề cập trực tiếp đến câu chuyện thuế quan, nhưng cũng thể hiện rõ quan điểm sẵn sàng thích ứng trước mọi biến động thị trường để hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng.

Theo ông, MWG không chạy theo số lượng mà đặt trọng tâm vào chất lượng và giá trị thực sự mang lại cho khách hàng, lấy nội lực làm điểm tựa để bước qua thách thức và duy trì đà tăng trưởng bền vững.

Ở góc độ đầu tư, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI không né tránh khi nhận định chính sách thuế mới của Mỹ là lời cảnh tỉnh để doanh nghiệp nội địa tái định vị chiến lược, gia tăng sức cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.

Theo ông Hưng, chúng ta có một thị trường tiêu dùng lớn, dòng tiền nội dồi dào và tâm lý đầu tư ngày càng chuyên nghiệp. Đây là lúc để doanh nghiệp Việt cạnh tranh bằng chất lượng, giá trị thực và niềm tin của người Việt vào nhau. Ông Hưng cũng cho rằng việc thắng trên sân nhà không chỉ là một lựa chọn bắt buộc trong bối cảnh hội nhập mà còn là một chiến lược sống còn để tạo nền tảng tăng trưởng bền vững cho cả nền kinh tế.

Xem thêm

Tỷ giá trước “cơn bão” thuế quan từ Mỹ

Tỷ giá trước “cơn bão” thuế quan từ Mỹ

Việc Mỹ áp mức thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam có thể gây ra những tác động đáng kể đến tỷ giá USD/VND, tuy nhiên giới phân tích vẫn lạc quan vào chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước và khả năng thích ứng của doanh nghiệp...

GS Vũ Minh Khương: Việt Nam cần tận dụng mọi kênh đối thoại trong xử lý vấn đề thuế quan với Hoa Kỳ - Ảnh: VGP

“Việt Nam cần tận dụng mọi kênh đàm phán với Hoa Kỳ, mức thuế 46% là một công cụ thúc đẩy đối thoại thương mại”

Trước việc Hoa Kỳ áp thuế 46% đối với hàng hóa của Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ, GS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đàm phán vì mức thuế này còn là một công cụ thúc đẩy đối thoại thương mại...

Có thể bạn quan tâm

Sắp có tuyến đường 35,5km nối liền Hà Nội và sân bay Gia Bình

Sắp có tuyến đường 35,5km nối liền Hà Nội và sân bay Gia Bình

Chiều dài đoạn tuyến trên địa phận thành phố Hà Nội là 14 km không bao gồm đoạn nhánh kết nối, trong đó: đoạn tuyến xây dựng mới khoảng 7 km; đoạn tiếp theo đi trùng cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên/vành đai 3 khoảng 7 km). Tổng chiều dài toàn tuyến (Bắc Ninh - Hà Nội) khoảng 35,5 km...

WB dự báo GDP Việt Nam 2025 tăng 6,8%

WB dự báo GDP Việt Nam 2025 tăng 6,8%

Mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,8% của WB thấp hơn mục tiêu tăng trưởng chính thức của Chính phủ là ít nhất 8% trong năm nay và mức tăng trưởng 7,09% của năm ngoái...

UOB nói gì về mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam năm 2025?

UOB nói gì về mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam năm 2025?

Mục tiêu của Việt Nam là tăng trưởng GDP năm 2025 lên ít nhất 8% và đặt tham vọng tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030 có cơ sở để đạt được, song vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là rủi ro từ chính sách thuế quan…