Mô hình huy động vốn lợi dụng lòng tham: (Bài 2) Phú Cường Group với "bước tiến" đa cấp tài chính

Tương tự như Bankland, hay thậm chí là Alibaba, Công ty Cổ phần tập đoàn Phú Cường cũng liên tục chào mời nhà đầu tư vào các dự án, đồng thời liên tục lập công ty, chào bán cổ phần để huy động vốn...

Phú Cường Group tiền thân là Công ty Cổ phần đầu tư Tài chính Phú Cường, do ông Nguyễn Mạnh Cường (1992) làm đại diện pháp luật, mã số thuế 5400472239, đăng ký tại tại ở số 10 Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội).

Một Alibaba mới?

Tiếp cận Phú Cường vào đầu tháng 10/2022, nhân viên tư vấn của Phú Cường chào mời PV hình thức mua chung dự án bất động sản. Thời điểm đó, Phú Cường đã "khoe" có các "dự án" Phú Cường Lộc Ninh (Bình Phước), Phú Cường Thúy Sơn và Phú Cường Sông Bưởi (Thanh Hóa).

Tuy nhiên, đến cuối tháng 12/2022, số "dự án" bất động sản của Phú Cường đã lên con số 9, gồm Phú Cường Bảo Lộc (Lâm Đồng), Phú Cường Lộc Thạch, Phú Cường Ngọc Trạo, Phú Cường Triêu Thanh, Phú Cường Nguyệt Ấn (Thanh Hóa).

Phú Cường liên tục có dự án, bởi cũng như Bankland hay Alibaba, công ty này tự vẽ dự án, tự phân lô bán cho nhà đầu tư.

Như tại Phú Cường Sông Bưởi (Thạch Quảng, Thạch Thành, Thanh Hóa), lãnh đạo huyện Thạch Thành khẳng định trên địa bàn không có dự án nào của Phú Cường, cũng không hề có doanh nghiệp nào tên Phú Cường đặt vấn đề đầu tư trên địa bàn.

Tìm hiểu kỹ hơn, dự án Phú Cường Sông Bưởi thực chất là 2,6 ha đất hỗn tạp (đất ở và đất trồng cây lâu năm) của người dân, được ông Nguyễn Mạnh Cường mua lại, rồi tự vẽ dự án để phân lô, bán nền.

Nhận định về cách "làm" dự án của Phú Cường, ông Trần Bá Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành nhận định: "Như thế này thì hoạt động như Alibaba (Công ty Alibaba do ông Nguyễn Thái Luyện tự lập dự án rồi bán cho nhà đầu tư - PV)".

Phú Cường
Hình ảnh thực tế (trái) và dự án Phú Cường Sông Bưởi được Phú Cường tự "vẽ" ra (phải)

Đáng chú ý hơn, để kêu gọi đầu tư, Phú Cường còn áp dụng hình thức mua chung dự án khi nhà đầu tư chỉ cần 10 triệu đồng là có thể đăng ký chung một lô đất dự án với những người khác.

Phú Cường cam kết trả lãi cho nhà đầu tư không dưới 18%/năm. Sau một chu trình hợp đồng (thường từ 2 – 3 năm), Công ty cam kết mua lại dự án với mức giá 120% so với ban đầu.

Đồng nghĩa, nhà đầu tư được nhận 120% giá trị so với mức ban đầu, kèm theo lãi suất 18%/năm theo quy trình. Tức tổng nhận khoảng 158%/2 năm đầu tư.

Lý giải nguyên nhân Phú Cường Group sẵn sàng trả giá cao, nhân viên tư vấn cho biết đất ngày càng tăng giá, nhất là “đất dự án tiềm năng như của Phú Cường”. Thêm vào đó, nhân viên này cũng thừa nhận, mức giá trên là do đất đang trong quá trình tách thửa xin sổ đỏ. Nếu có sổ thì giá tăng mạnh. “Sau khoảng 3 – 6 tháng sẽ có sổ”, nhân viên tư vấn này khẳng định.

Theo tuyên bố của nhân viên Phú Cường, hình thức "mua chung" này thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. Như tại Phú Cường Sông Bưởi, sau 1 tháng mở bán, 51 lô đất đã được bán hết. Còn tổng thể 9 "dự án" của Phú Cường, đến đầu năm 2023 đã bán hết.

Bên cạnh "vẽ" dự án, cũng như Bankland và Tâm Lộc Phát, Phú Cường còn huy động qua hình thức hợp đồng góp vốn, với mức chi trả rất cao.

Phú Cường Group
Mức trả lãi suất của Phú Cường Group cho hợp đồng góp vốn

Sự giống này bao gồm cả những dấu hiệu mất thanh khoản dòng tiền như Bankland.

Trong một thông báo ngày 3/3/2023, Phú Cường đã thông báo tạm ngừng chi trả lãi, hoặc chậm trả lãi cho nhà đầu tư, lý do vì "hoạt động khó khăn".

Bên cạnh đó, Phú Cường cũng đã chuyển địa điểm giao dịch từ tầng 43 tòa nhà Keangnam Landmark 72 về số 10 Dịch Vọng Hậu để cắt giảm chi phí...

Cảnh báo về hoạt động của Phú Cường, luật sư Vũ Văn Nam, đoàn Luật sư TP. Hải Phòng lưu ý các nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,... trước khi tham gia, góp vốn đầu tư.

Mập mờ phát hành cổ phần riêng lẻ

Cũng huy động vốn như Bankland, ngoài vẽ dự án và huy động vốn thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư với lãi suất từ 18%/năm đến 42%/năm, Phú Cường Group còn tiến hành phát hành cổ phần riêng lẻ để huy động vốn.

Theo đó, trong thông báo phát hành gần nhất ngày 27/4/2022, Công ty Tài chính Phú Cường đã ký thông báo chào bán riêng lẻ 30 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Mục đích là bổ sung vốn lưu động, thực hiện các dự án bất động sản và cơ cấu cổ đông chiến lược trước khi IPO.

Thông báo này cũng nói rõ, số cổ phần này là cổ phần ưu đãi cổ tức trong hai năm. Khách hàng đầu tư được trả cổ tức đều đặn mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Hình thức nhận có thể nhận theo tháng hoặc theo năm.

Phú Cường Group phát hành cổ phần riêng lẻ
Thông báo chào bán cổ phần riêng lẻ của của Phú Cường Group

Điểm đáng chú ý, cổ phần này là cổ phần ưu đãi, nhưng doanh nghiệp định giá cổ phần lại không theo phương pháp nào cả. Cụ thể, tại văn bản chào bán, giá trị cổ phần ngày chào bán 27/4 là 10.000 đồng/cổ phần, nhưng tới ngày 16/5/2022, giá trị mỗi cổ phần là 14.000 đồng/cổ phần.

Nhân viên tư vấn của Phú Cường giải thích, khoảng thời gian, công ty sẽ mở một vòng quay vốn mới. Nhà đầu tư mua cổ phần có thể bán lại cổ phần đã mua ở giá 10.000 đồng cho công ty với giá trị định trước (14.000 đồng/cổ phần), nhưng công ty sẽ thu 30% phí. Hoặc nhà đầu tư có thể bán lại cho những người có nhu cầu mua để lấy lại tiền.

“Thông thường các nhà đầu tư sẽ giữ qua nhiều vòng, nếu người nào có dòng tiền rỗi thì sẽ giữ đến khi IPO. Hiện nay cổ phần của Tài chính Phú Cường đang là 15.000 đồng/cổ phần”, nhân viên này cho biết.

Đồng thời, nhân viên này cũng cho biết thêm, KPI mà công ty Phú Cường yêu cầu mỗi đội nhóm bán hàng của công ty phải tìm được 30 khách mua cổ phần mỗi tháng để duy trì nguồn thanh khoản cho công ty.

Phú Cường
Tuy đăng ký tại số 10 Dịch Vọng Hậu, nhưng trong thời gian dài, trụ sở giao dịch chính của Phú Cường là tại tầng 43 tòa nhà Keangnam Landmark 72 ở Phạm Hùng

Đánh giá về văn bản phát hành cổ phần này, Luật sư Đỗ Quang Hưng, đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng văn bản này rất mập mờ.

Cụ thể, theo quy định tại điều 123, 125 Luật doanh nghiệp năm 2020, việc phát hành phải quy định rõ thời điểm phát hành, khoảng thời gian phát hành.

Số lượng phát hành cho cổ đông hiện hữu, không quá 100 người.

Sau khi phát hành thành công, phải có thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước về việc phát hành thành công bao nhiều, từ đó làm thay đổi vốn điều lệ thế nào.

Còn ở đây, đến tháng 3/2023, vốn điều lệ của Tài Chính Phú Cường vẫn là 200 tỷ đồng – không đổi so với trước khi phát hành. Thêm vào đó, Phú Cường ký hết tràn lan với mọi người, đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, hình thức bán cổ phần này cũng được Phú Cường triển khai với các công ty con khác. Như tại Công ty cổ phần địa ốc Phú Cường, vốn điệu lệ 200 tỷ nhưng phân thành 10 triệu cổ phần, chào giá bán cho nhà đầu tư là 200 đồng/cổ phần, và công ty cam kết đến khi IPO, mức giá này là 10.000 đồng/cổ phần).

Nếu so về hình thức hoạt động, Tâm Lộc Phát mới chỉ “học” được các huy động vốn theo hình thức đa cấp như Bankland, nhưng với Phú Cường thì đã bước thêm một bước khi triển khai thành thành mô hình huy động vốn hoàn chỉnh ngay trên cổ phần.

Có thể bạn quan tâm