Cần làm rõ hành vi dùng "dự án bất động sản ảo" huy động vốn trái phép ở Thuận Thành, Bắc Ninh

Hiện trên địa bàn huyện này có rất nhiều doanh nghiệp công khai dùng "dự án bất động sản ảo" để huy động vốn trái phép, tạo nên tình trạng rất nhốn nháo nơi đây

Công khai huy động vốn bằng "dự án bất động sản ảo"!

Sau những đợt sóng của những năm 2009 - 2010, khoảng 2 năm trở lại đây khi có tin huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chuẩn bị lên Thị xã, bất động sản khu vực này trở nên rất sôi động. Cũng từ đây đã phát sinh ra tình trạng “nhốn nháo” của thị trường bất động sản nơi đây.

Nếu thị trường bất động sản ở những địa phương khác, chúng ta thấy diễn ra rất phổ biến là tỉnh trạng "bán lúa non" (tức - có dự án, nhưng chuẩn bị thi công/thi công nhưng chưa đủ khối lượng theo quy định cho phép được huy động vốn) thì ở huyện Thuận Thành, trong quá trình thu thập thông tin chúng tôi ghi nhận một dạng huy động vốn trái phép khác, mà hành vi vi phạm còn táo tợn hơn cả dạng “bán lúa non”, đó là hành vi “bán lúa chưa cấy”.

Điển hình như tại xã Gia Đông, nhận thấy việc UBND xã này có chủ trương xin cấp trên giới thiệu khu đất ở thôn Tam Á để khảo sát dự án khu nhà ở đấu giá quyền sử dụng đất, Công ty Cổ phần Long Thành Trung (Công ty Long Thành Trung) có trụ sở chính tại Khu Đoàn Kết, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn - Chi nhánh văn phòng tại phố Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành đã đứng ra huy động vốn của dân dưới hình thức “Bản cam kết đăng ký lô đất” kèm “Hợp đồng vay” để thực hiện dự án, đồng thời, người đầu tư sẽ được hứa bán cho ô đất (đã được đánh mã số/ký hiệu, xác định diện tích).

Bản cam kết đăng ký ô đất của Công ty Long Thành Trung
Bản cam kết đăng ký ô đất của Công ty Long Thành Trung

Đến thời điểm này, dự án chưa được phê duyệt dù là chủ trương, Công ty Long Thành Trung không có tư cách huy động vốn, không có tư cách pháp lý nào về cái gọi là dự án Khu nhà ở đấu giá QSDĐ thôn Tam Á, xã Gia Đông, nhưng đã huy động vốn - tức “lúa chưa cấy” với giá không hề thấp, khoảng 25,0 triệu đồng/m2.

Về "dự án ảo" này, theo tìm hiểu của chúng tôi, với loại dự án này, ở cấp huyện, thường là huyện làm chủ đầu tư, UBND huyện giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất đại diện chủ đầu tư đứng ra thu hồi đất, xây dựng hạ tầng, rồi bán đấu giá, nhằm tăng thu cho nguồn ngân sách của huyện. Sau khi trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải xây nhà đúng quy hoạch thiết kế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (ở đây là UBND huyện Thuận Thành).

Do đó, dự án mà Công ty Long Thành Trung gọi là “Khu nhà ở đấu giá QSDDĐ”, các ô đất sẽ được Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thuận Thành bán đấu giá, chứ không phải do Công ty Long Thành Trung bán.

Vì vậy, việc ký “Bản cam kết đăng ký lô đất” với nội dung “giành quyền đăng ký mua ô đất” là trái với nguyên tắc hình thành và bán bất động sản của loại dự án khu nhà ở đấu giá QSDDĐ đất theo quy định hiện nay. 

Nói cách khác, việc bán các lô đất của loại dự án này do đấu giá công khai, chứ không phải do Công ty Long Thành Trung “bán”, hay có quyền “phân bổ”.

Mà giả sử, nếu điều này xảy ra phải chăng Công ty Long Thành Trung có thể “thông đấu giá”, có thể “mua chuộc đấu giá”. Khi đó, đây lại là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của lực lượng được Nhà nước giao quyền bán đấu giá. Từ đây đưa ra nhận định, UBND xã Gia Đông có liên quan gì đến khâu đầu tư dự án này hay không, cũng là vấn đề cần được làm rõ.

Cần làm rõ các hành vi gian dối!

Có thể nói đất đai là tài sản đặc biệt, quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị lớn, nên pháp luật quy định rất chặt chẽ về điều kiện kinh doanh, chuyển nhượng.

Trước tình trạng "nhốn nháo" của các doanh nghiệp trước dấu hiệu huy động vốn trái phép bằng các dự án bất động sản ảo, chúng tôi kiến nghị UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thuận Thành cần tăng cường công tác nắm bắt thông tin, kiểm tra, cảnh báo các thông tin rao bán đất ảo, chưa đủ điều kiện.

Cơ quan Công an huyện Thuận Thành cũng cần kịp thời điều tra, xác minh các hành vi có dấu hiệu gian dối/lạm dụng tín nhiệm có nguy cơ dẫn tới hành vi chiếm đoạt tài sản, để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, răn đe các vi phạm gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Thời gian qua, không ít vụ án hình sự đã bị cơ quan chức năng khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc vẽ dự án ảo để lừa đảo khách hàng.

Vậy nhưng, hành vi này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, mà còn hoạt động tinh vi hơn dưới nhiều vỏ bọc khác nhau để dụ dỗ, lôi cuốn người dân hùn vốn, bỏ tiền ra đặt cọc.

Theo khuyến cáo của một số chuyên gia thì giao dịch dân sự qua các vụ việc liên quan đến bất động sản dưới hình thức nói trên mang lại rủi ro pháp lý quá lớn đối với khách hàng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Lượng tiêu thụ căn hộ tại Hà Nội vượt qua TP.HCM

Lượng tiêu thụ căn hộ tại Hà Nội vượt qua TP.HCM

Thời gian qua, nguồn cung căn hộ trên thị trường bất động sản đã cải thiện hơn, cùng với đó, lượng tiêu thụ cũng tăng trở lại và Hà Nội đang dẫn đầu về cả nguồn cung và lượng tiêu thụ của thị trường...