Mỗi tuần một cổ phiếu: CTD- nhiều rủi ro nhưng cũng lắm cơ hội?

Cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Cotecons gần như mất đi giá trị nhiều lần từ đỉnh giá 230.000 đồng/cp. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người đây lại là thời điểm cơ hội xuất hiện.
Mỗi tuần một cổ phiếu: CTD- nhiều rủi ro nhưng cũng lắm cơ hội?

Trong 4 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu CTD gây bất ngờ khi tăng mạnh liên tiếp từ mức giá 50.100 đồng/cp lên 60.700 đồng/cp , tương đương gần 21,2%; trong đó có 2 phiên tăng trền (9-10/2).

Tín hiệu hồi phục?

Trước khi có những phiên tăng mạnh kể trên, cổ phiếu CTD liên tiếp sụt giảm và đang rơi về vùng đáy của nhiều năm trở lại đây. Nhìn vào mức giá hơn 50.000 đồng/cp trong những phiên đầu tháng 2/2020 của CTD chắc khó ai có thể nghĩ đây là một cổ phiếu đã từng có mức giá trên 200.000 đồng/cp.

Chỉ mới đầu năm 2019, CTD vẫn duy trì được mức giá 155.150 đồng/cp (giá điều chỉnh) đến cuối năm CTD chỉ còn 51.100 đồng/cp, tương đương giảm 67%; thậm chí trong nửa đầu tháng 1 đã có lúc CTD giảm sâu xuống mức 49.300 đồng/cp.

Thực tế, Coteccons đã trải qua một quãng thời gian dài với nhiều thông tin xấu bủa vây, từ mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông nội với nhóm cổ đông ngoại, từ mức độ cạnh tranh với đối thủ do chính người trong doanh nghiệp lập nên, lợi nhuận sụt giảm...

Biến động giảm giá không ngừng của cổ phiếu CTD diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về triển vọng của doanh nghiệp này. Triển vọng khá u ám của doanh nghiệp đầu ngành này đã xóa sạch những nỗ lực cứu giá như mua cổ phiếu quỹ, trả cổ tức… của doanh nghiệp trong thời gian này.

Hiện CTD đã hồi phục về mức giá 60.700 đồng/cp nhưng so với giá trị của mã này đây vẫn là vùng giá khá thấp. Theo phân tích kỹ thuật cổ phiếu CTD của BSC, chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá.

Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt lại dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đang hình thành. BSC cho rằng, cổ phiếu CTD có thể tăng trở lại ngưỡng hỗ trợ cũ tại mức giá 63.000 đồng/cp trong các phiên giao dịch tới.

Một chuyên gia phân tích khác cho rằng, chính vì CTD đã mất đi nhiều giá trị từ vùng đỉnh giá 230.000 đồng/cp nên cơ hội sẽ xuất hiện. Nhìn về xu hướng hiện tại thì CTD đang ở trong đà giảm nên các chiến lược giao dịch dài hạn chưa khả thi, tuy nhiên với chiến lược ngắn hạn thì ngược lại.

Đáng chú ý, trong nhiên phiên gần đây, CTD có thanh khoản khá tốt khi duy trì được mức hơn 200.000 đơn vị/phiên thay vì vài chục nghìn cổ phiếu như trước đó.

Kinh doanh sụt giảm

Dù đã có những tín hiệu tốt về giá cổ phiếu, nhưng kết quả kinh doanh của Coteccons lại là điều đáng quan ngại. Theo BCTC quý IV/2019 của Coteccons, doanh thu thuần đạt 7.471 tỷ đồng, giảm 5% trong khi giá vốn chỉ giảm 4% kéo theo lãi gộp giảm 17% so với cùng kỳ đạt 338 tỷ đồng.

Các chi phí khác thay đổi không đáng kể, Coteccons báo lãi sau thuế đạt 233 tỷ đồng, giảm 27% cùng kỳ năm trước. Coteccons cho biết, doanh thu quý IV/2019 giảm do những khó khăn chung của ngành xây dựng.

Các dự án bất động sản đã ký nhưng ngưng triển khai hoặc triển khai chậm, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn đấu thầu do nguồn việc ít. Lợi nhuận gộp giảm do một số công trình có thời gian thi công lâu hơn dự kiến làm tăng chi phí cố định, đồng thời công ty phải giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư.

Lũy kế cả năm, công ty đạt doanh thu 23.733 tỷ đồng, giảm 17%; lãi sau thuế 711 tỷ, giảm 53%. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) ghi nhận 8.859 đồng, giảm 52%. Công ty đã thực hiện được 88% kế hoạch doanh thu và 69% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Theo chu kỳ, quý I và quý IV thường là thời điểm thấp điểm, kết quả kinh doanh doanh nghiệp xây dựng đi xuống. Tuy nhiên, riêng năm nay, quý I và IV lại là quý ghi nhận lợi nhuận cao hơn 2 quý còn lại.

Tính đến cuối năm 2019, công ty có 801 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và 3.241 tỷ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn; lần lượt tăng 45% và giảm 18% so đầu năm. Tổng tài sản giảm 625 tỷ đồng xuống 16.199 tỷ đồng.

Đáng chú ý, BMI cho biết ngành xây dựng Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 7,6% trong giai đoạn 2018-2025. Trong khi nghiên cứu của PwC cho thấy Indonesia, Việt Nam và Philippines là những quốc gia có thể giành được sự quan tâm lớn nhất từ các nhà đầu tư phát triển bất động sản quốc tế trong khu vực ASEAN. 

Mặc dù vậy, nhưng CTCK Rồng Việt (VDSC) trong giai đoạn 2020-2021 có rất ít sự lựa chọn cho các nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu ngành xây dựng dân dụng.

Xem thêm

Lộ diện cổ đông lớn mới của Coteccons

Lộ diện cổ đông lớn mới của Coteccons

Theo thông báo mới nhất, quỹ ngoại Singapore - The8th Ple. Ltd đã mua 7,84 triệu cổ phiếu CTD của CTCP Xây dựng Coteccons, tăng sở hữu lên 10,8% vốn (tương đương nắm giữ hơn 8,3 triệu cổ phiếu).

Có thể bạn quan tâm