Từ sau Tết Nguyên Đán 2020 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục có những diễn biến tiêu cực. Chỉ tính riêng trong tháng 3 (2-30/03), chỉ số Vn-Index đã giảm hơn 219 điểm với sự tụt dốc của 90% lượng cổ phiếu trên sàn.
Đối với cổ phiếu VNM, trong khoảng thời gian trên, giá cổ phiếu đã giảm hơn 12,7% và đang giao dịch tại vùng giá hơn 91.000 đồng/cp.
Theo HSC, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) được quản trị một cách xuất sắc và là một trong số ít các doanh nghiệp có thể không bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, doanh thu nội địa của Vinamilk được hỗ trợ nhờ nhu cầu đối với các sản phẩm sữa trong thời gian có đại dịch Covid - 19 tăng; đặc biệt là sản phẩm sữa chua và sữa công thức.
Sữa chua uống, sữa chua hộp và sữa công thức (sữa bột) đối với người già và trẻ nhỏ được xem là bổ dưỡng và “tốt cho hệ thống miễn dịch”. Nhu cầu đã tăng lên trong 2 tháng qua do ảnh hưởng của dịch bệnh và nhiều khả năng sẽ vẫn ở mức cao.
HSC trích nguồn Kantar World Panel, trong 4 tuần kết thúc vào ngày 23/2, doanh thu bán sữa chua uống, sữa bột dành cho người lớn, sữa bột trẻ em và sản phẩm sữa nói chung lần lượt tăng mạnh 36%, 33%, 14% và 10,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, trong 8 tuần kết thúc ngày 23/2, doanh thu sản phẩm sữa nói chung tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng doanh thu sản phẩm sữa chua uống và sữa chua hộp toàn ngành sẽ tăng trưởng lần lượt là 15% và 12% trong năm 2020.
Bên cạnh đó, việc hợp nhất doanh thu với GTNFoods cũng là một yếu tố đóng góp vào tăng trưởng của Vinamilk trong năm 2020.
Cho cả năm 2020, HSC dự báo doanh thu thuần của Vinamilk sẽ tăng trưởng 11,9% đạt 63.063 tỷ đồng và lợi nhuận thuần tăng trưởng 7,7% đạt 11.394 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinamilk cũng là doanh nghiệp có cơ cấu tài chính an toàn. Theo số liệu cuối năm 2019, tổng nợ phải trả của Vinamilk là hơn 14.968 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ vay ngắn hạn. Tuy nhiên, khoản nợ này chỉ chiếm khoảng 50,3% trong tổng vốn chủ sở hữu của Vinamilk.
Điều này cho thấy, trong cơ cấu tài chính của Vinamilk, thì có 2 đồng vốn và chỉ 1 đồng vay. Lượng tiền mặt của Vinamilk cũng thuộc dạng khủng so với các đại gia khác trên sàn.
Tại thời điểm 31/12/2019, số dư tiền của Vinamilk (gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng) lên tới gần 15.000 tỷ đồng.
Trong năm 2020, HSC dự báo Vinamilk sẽ tạo ra dòng tiền tự do là 9.543 tỷ đồng và chi 7.836 tỷ đồng để trả cổ tức; tương đương mức chi trả 4.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó tỷ lệ lợi nhuận dùng để trả cổ tức là 68,7% và tỷ lệ cổ tức/giá là 4,9%.