Một công ty con của Vingroup báo lãi hơn 15.000 tỷ đồng trong 6 tháng

Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2025 với lợi nhuận tăng đột biến, tài sản và nợ vay đồng loạt thu hẹp. Doanh nghiệp cũng thực hiện chi cổ tức lớn và thay đổi nhân sự cấp cao...

Bức tranh tài chính 6 tháng đầu năm 2025 của Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC – mã chứng khoán: VEF) đang tạo ra nhiều bất ngờ lớn trên thị trường.

Trong quý 2/2025, VEF ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.861 tỷ đồng, gấp gần 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng gấp 4 lần, đạt 581 tỷ đồng. Nhờ sự bứt tốc này, lợi nhuận sau thuế quý 2 tăng vọt 220%, đạt 349 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh càng ấn tượng hơn. Doanh thu thuần đạt 44.565 tỷ đồng, tăng tới 86 lần, trong khi doanh thu tài chính đạt 2.408 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt tới 15.250 tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc ở mức 8.372%.

Điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của VEF là sự thu hẹp mạnh mẽ về quy mô tài sản. Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của công ty giảm hơn 65%, từ 105.107 tỷ đồng xuống còn 36.243 tỷ đồng. Sự sụt giảm này đến chủ yếu từ việc hàng tồn kho giảm từ 22.157 tỷ đồng xuống chỉ còn 3.796 tỷ đồng.

Cùng với sự thu hẹp quy mô tài sản, nợ phải trả của VEF cũng giảm mạnh, từ 101.089 tỷ đồng đầu năm xuống còn 24.221 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu lại tăng gần gấp 3, lên mức 12.022 tỷ đồng.

Một trong những dấu ấn đáng kể nhất trong năm qua là đóng góp ngân sách của VEFAC. Trong năm 2024, doanh nghiệp đã nộp tới 22.000 tỷ đồng, chủ yếu là tiền sử dụng đất, con số vượt tổng thu ngân sách của 46 tỉnh/thành, thậm chí cao hơn cả Bắc Giang, Thái Nguyên hay Ninh Bình. Sang nửa đầu năm 2025, VEF tiếp tục nộp hơn 5.400 tỷ đồng tiền sử dụng đất, góp phần lớn vào tổng ngân sách của thành phố Hà Nội, theo báo cáo mới nhất của Uỷ ban nhân dân thành phố.

Không chỉ vậy, VEF cũng gây chú ý mạnh khi chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức “khủng” lên đến 435% (tương đương 43.500 đồng/cổ phiếu). Tổng số tiền chi trả cổ tức là 7.247 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Vingroup, cổ đông lớn nhất nắm giữ 83,32% vốn nhận về tới 6.038 tỷ đồng.

Cùng thời điểm công bố kết quả kinh doanh đột phá, VEF cũng thông báo thay đổi nhân sự điều hành cấp cao. Theo đó, bà Nguyễn Thị Quý Phương, người giữ chức Tổng Giám đốc từ tháng 9/2024, thời điểm khởi công Trung tâm Triển lãm quốc gia đã được miễn nhiệm.

Người kế nhiệm là bà Trần Mai Hoa, một gương mặt dày dạn kinh nghiệm trong hệ sinh thái Vingroup. Bà từng giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc Vincom Retail (2014-2016), sau đó là CEO (từ 2017) và hiện đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vincom Retail từ tháng 4/2024. Việc điều chuyển này được xem là bước chuẩn bị cho một giai đoạn vận hành, khai thác thương mại mạnh mẽ hơn của VEF trong bối cảnh các siêu dự án sắp đưa vào hoạt động.

VEF hiện đang là chủ đầu tư hàng loạt dự án trọng điểm tại Hà Nội. Ngoài Trung tâm Triển lãm Quốc gia đã hoàn thành, doanh nghiệp còn đang triển khai tổ hợp 148 Giảng Võ, một trong những khu đất có giá trị bậc nhất thủ đô, cũng như siêu dự án đô thị Vinhomes Global Gate tại Đông Anh với tổng vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh bất động sản Hà Nội đang tái định hình theo mô hình đô thị vệ tinh và dịch chuyển ra phía Đông, VEF đang nắm trong tay những “quỹ đất vàng” có khả năng sinh lời vượt trội, đặc biệt khi các tuyến giao thông huyết mạch như cầu Tứ Liên, Vành đai 4, đường sắt tốc độ cao được triển khai đồng bộ.

Diễn biến cổ phiếu VEF trong phiên giao dịch sáng ngày 21/7

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VEF kết phiên giao dịch sáng ngày 21/7 ở mức 184.000 đồng/cổ phiếu giảm nhẹ 2,13% so với phiên trước. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng, cổ phiếu vẫn tăng hơn 4%.

Có thể bạn quan tâm