Tổng Thư ký Hiệp hội Taxi Hà Nội Hồ Quốc Phi vừa ký văn bản gửi tới: Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính); UBND, Cục Thuế, Sở Kế hoạch đầu tư và Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, kiến nghị giải đáp thắc mắc chuyển đổi hình thức kinh doanh vận tải và hình thức đóng thuế.
Theo ông Phi, sau hơn 3 năm với rất nhiều lần lấy ý kiến, tiếp thu, tổng hợp, giải trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đã thống nhất được nhiều nội dung quan trọng trong đó đã xác định Grab, Uber…(mà người dân vẫn quen gọi là taxi công nghệ) là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải với hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (hợp đồng điện tử). Nội dung này được thể hiện tại Khoản 2, Khoản 7 Điều 3 và Điều 7 của Dự thảo Nghị định theo bản trình ngày 17/7/2019.
Dự thảo Nghị định xe ôtô dưới 9 chỗ sử dụng ứng dụng phần mềm công nghệ như Grab, Uber…không được xếp vào hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi mà được xếp vào hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử và được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế, lưu thông vào các tuyến đường cấm xe taxi vào giờ cao điểm… mà hình thức xe taxi truyền thống không có.
Do đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hà Nội, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cùng các cơ quan tham mưu của thành phố cho taxi truyền thống được chuyển đổi sang hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử để được hưởng các ưu đãi đặc biệt đối với loại hình kinh doanh vận tải này.
“Nhìn nhận các nghĩa vụ về thuế giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ không có sự công bằng, lãnh đạo Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng, khi xe taxi chuyển sang xe công nghệ nhằm mục đích để được hưởng các ưu đãi về thuế khoán của hình thức kinh doanh hợp vận tải hành khách hợp đồng điện tử bằng xe ôtô dưới 9 chỗ.