Năm 2022, Bình Dương đã đạt và vượt 29/34 chỉ tiêu kế hoạch

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh đã đạt và vượt 29/34 chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.
Trong năm 2022, tỉnh Bình Dương đã đạt và vượt 29/34 chỉ tiêu kế hoạch của năm
Trong năm 2022, Bình Dương đã đạt và vượt 29/34 chỉ tiêu kế hoạch của năm

Theo đó, tổng sản phẩm của tỉnh Bình Dương (GRDP) ước tăng 8,01% (kế hoạch tăng 8-8,3%); GRDP bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng (kế hoạch 169,8 triệu đồng); Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là 67,1% - 22,8% - 2,7% - 7,4% (đạt kế hoạch).

Sản xuất công nghiệp giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ; Công nghiệp chế biến, chế tạo đã cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,9% so với năm trước (đạt kế hoạch tăng 8,9%). Tỉnh tập trung thực hiện các thủ tục đất đai, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp; Duy trì tỷ lệ hộ sử dụng điện trên toàn tỉnh đạt 99,99% (đạt kế hoạch 99,99%).

Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái và hiệu quả; Chăn nuôi hộ gia đình chuyển dần từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và phòng, chống thiên tai, cháy rừng được quan tâm xuyên suốt. Tỉnh đã công nhận 11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2021; Ban hành các bộ tiêu chí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.

Trong năm 2022, Bình Dương đã thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa, không xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá; tình hình cung ứng xăng dầu có thời điểm xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ nhưng đã được chỉ đạo giải quyết kịp thời. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 269.440 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước (đạt kế hoạch tăng 16%).

Kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 9% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 14,5%); kim ngạch nhập khẩu đạt 25,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 1% (kế hoạch tăng 17%).

Ngân sách tỉnh Bình Dương năm 2022 ước thu đạt 61.940 tỷ đồng, đạt 103% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng chi ngân sách thực hiện 20.409 tỷ đồng, đạt 100% dự toán. Về tín dụng, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 295.000 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay ước đạt hơn 289.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.

Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu trong năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5 - 8,7% so với năm 2022
Bình Dương đặt mục tiêu trong năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5 - 8,7% so với năm 2022

Nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương năm 2023, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Tầm Dương cho biết, năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương xác định 35 chỉ tiêu chủ yếu năm 2022. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,5 - 8,7% so với năm 2022.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 tỉnh Bình Dương hướng tới là: Tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế; Cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ; Phát triển văn hóa, xã hội; Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Có thể bạn quan tâm