Thủ tướng chỉ đạo nóng tuyệt đối không để phát sinh lợi ích nhóm, tiêu cực trong tăng trưởng tín dụng

Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo sử dụng các công cụ theo quy định đẩy mạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao của các tổ chức tín dụng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
vna-potal-thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-phien-hop-chinh-phu-thuong-ky-thang-8-nam-2023-69729809-19-15-4220231206162713-572.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1403/CĐ-TTg ngày 22/12/2023 về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng kinh tế. Công điện gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ.

KIỂM SOÁT, GIÁM SÁT CHẶT CHẼ VIỆC SỬ DỤNG HẠN MỨC TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG

Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao tại Công điện số 1224/CĐ-TTg ngày 26/11/ 2023 của Thủ tướng Chính phủ và Thông báo số 527/TB-VPCP ngày 18/12/2023 của Văn phòng Chính phủ, tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khả thi, khoa học, đúng quy định, sát tình hình, tuyệt đối không và dứt khoát không để phát sinh cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng… trong việc tăng trưởng tín dụng.

Bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm hoặc tăng trưởng tín dụng không lành mạnh, phục vụ lợi ích nhóm, sân sau…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo sử dụng các công cụ theo quy định đẩy mạnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc sử dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao của các tổ chức tín dụng, bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư), phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh an toàn, lành mạnh, bền vững nhưng thiếu vốn.

Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng.

Đồng thời thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu, hạn chế gia tăng nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và có nguy cơ nợ xấu tăng.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý nghiêm theo quy định việc tư vấn, giới thiệu khách hàng đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, việc tư vấn, bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng không đúng quy định, gây thiệt hại tài sản cho khách hàng.

Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung chỉ đạo chuẩn bị kỹ, thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm tăng trưởng tín dụng năm 2024, trong đó chú trọng rà soát, hoàn thiện tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, bảo đảm công khai, minh bạch, lành mạnh, bền vững, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn tín dụng đúng mục đích, hiệu quả, không để nợ xấu phát sinh.

Với Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại văn bản số 9444/VPCP-V.I ngày 1/12/2023 của Văn phòng Chính phủ về thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao phối hợp với các cơ quan liên quan nắm tình hình, triển khai các biện pháp công tác, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng và cấp hạn mức tăng tín dụng trái các quy định, thiếu minh bạch, công khai, có tiêu cực, nhất là việc "xin - cho" trong việc cấp hạn mức tín dụng và tiêu cực trong môi giới, tư vấn bán bảo hiểm tại các tổ chức tín dụng.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

GẦN 86.000 TỶ CHẢY RA THỊ TRƯỜNG QUA KÊNH TÍN DỤNG CHỈ TRONG 13 NGÀY

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 9,87%. Trước đó, tính đến ngày 31/11 tăng trưởng tín dụng đạt 9,15%. Như vậy, chỉ trong 13 ngày tín dụng đã tăng thêm 85.800 tỷ đồng tương đương ngần ấy số tiền đi ra nền kinh tế.

ngân hàng nhà nước.jpeg
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước cho biết mức tăng trưởng nói trên đã gần đạt mốc hai con số nhưng vẫn thấp hơn so với định hướng điều hành là 14%.

Ngân hàng Nhà nước chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này của năm vẫn còn thấp như: Đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng.

Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa , trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ , Quỹ Phát triển... chưa phát huy hiệu quả.

Nguyên nhân khác là khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung.

Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả ngân hàng rất khó khăn trong quyết định cho vay.

Tăng trưởng tín dụng thấp cũng do khó khăn trong việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các vấn đề pháp lý (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá...); danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án xây dựng, cải tạo lại chung cư chậm ban hành khiến các ngân hàng khó tiếp cận, thẩm định dự án..

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Theo Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, cũng rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, như việc đẩy mạnh triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính…

Từ đó, tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…), nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Có thể bạn quan tâm