Nâng cao năng lực quản trị công nghệ

Hiện nay, trong bất kỳ doanh nghiệp nào, quản trị công nghệ cần được coi là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hoạt động quản trị kinh doanh.
Nâng cao năng lực quản trị công nghệ

Quản trị công nghệ liên quan đến việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách để giải quyết vấn đề phát triển và sử dụng công nghệ, đặc biệt là việc hoạch định và tăng cường năng lực công nghệ của doanh nghiệp.

Đặc trưng của công nghệ

Nói một cách chung nhất, công nghệ là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành các sản phẩm. Như vậy, có thể hiểu công nghệ như là kiến thức có hệ thống về quy trình và kỹ thuật dùng để chế biến vật liệu và xử lý thông tin, bao gồm tất cả các kỹ năng, kiến thức, thiết bị và phương pháp sử dụng trong việc tạo ra hàng hóa và cung cấp dịch vụ.

Một công nghệ có bốn thành phần liên quan mật thiết và bổ sung cho nhau.

Thứ nhất là kỹ thuật, tức mọi phương tiện vật chất như các công cụ, thiết bị máy móc, phương tiện và các cấu trúc hạ tầng khác, thường làm thành dây chuyền ứng với một quy trình công nghệ nhất định.

Thứ hai là con người, bao gồm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng do học hỏi, tích lũy được trong quá trình hoạt động, đồng thời cũng bao gồm các tố chất như tính sáng tạo, sự khôn ngoan, khả năng phối hợp, đạo đức trong lao động...

Thứ ba là thông tin, tức các dữ liệu được tổng hợp và hệ thống hóa, sử dụng trong công nghệ. Thành phần cuối cùng là tổ chức, thể hiện qua những quy định về trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ và sự phối hợp giữa các cá nhân hoạt động trong công nghệ, kể cả những quy trình đào tạo công nhân, bố trí sắp xếp nhằm sử dụng tốt nhất thiết bị.

Ngoài tài chính, nhân sự, marketing và bán hàng, một trong những đòn bẩy mà hiện nay khá nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang đặt kỳ vọng rất lớn, đó là công nghệ, và đặc biệt là công nghệ số. Một thống kê gần đây của MIT CISR cho thấy, 42% số doanh nghiệp đang kỳ vọng các chiến lược về công nghệ bao gồm công nghệ mạng xã hội, mobile, phân tích, điện toán đám mây và Internet sẽ tạo ra những đột phá và lợi thế cạnh tranh mới cho các doanh nghiệp.

Năng lực quản trị công nghệ của doanh nghiệp

Hiện nay, trong bất kỳ doanh nghiệp nào, quản trị công nghệ cần được coi là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hoạt động quản trị kinh doanh. Quản trị công nghệ liên quan đến việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách để giải quyết vấn đề phát triển và sử dụng công nghệ, đặc biệt là việc hoạch định và tăng cường năng lực công nghệ của doanh nghiệp.

Năng lực công nghệ là khả năng doanh nghiệp triển khai các công nghệ hiện có một cách hiệu quả và ứng phó được với những thay đổi công nghệ. Một doanh nghiệp có năng lực công nghệ cao khi có đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi, nhanh chóng nắm bắt và làm chủ công nghệ mới, đồng thời có thể cải tiến công nghệ cũ hay công nghệ nhập từ bên ngoài sao cho phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để đội ngũ cán bộ kỹ thuật phát huy được khả năng chuyên môn của họ, doanh nghiệp cần phải tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi cho họ, bao gồm cả bốn thành phần của công nghệ đã trình bày ở trên.

Trước hết, các nhà quản trị cần phải vạch ra một chiến lược công nghệ rõ ràng cho doanh nghiệp. Chiến lược này thể hiện một tầm nhìn dài hạn, định hướng cho doanh nghiệp phân bổ các nguồn lực và sử dụng công nghệ, bao gồm các quyết định về sử dụng loại công nghệ nào, về năng lực công nghệ và mức độ đầu tư vốn cho phát triển công nghệ.

Tiếp đó, tùy theo đặc điểm của quá trình sản xuất, trách nhiệm quản trị sẽ được chia sẻ giữa giám đốc sản xuất với giám đốc kỹ thuật, giám đốc nghiên cứu. Các nhà quản trị này sẽ giải quyết vấn đề mang tính chất quản trị tác nghiệp, từ phát sinh ý tưởng, dự báo công nghệ, đánh giá và lựa chọn công nghệ, đổi mới và chuyển giao công nghệ, cho đến đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, cũng như liên kết công nghệ với sản phẩm và thị trường.

Như vậy, thông qua việc nhận dạng được cơ hội thị trường và phát triển công nghệ, các nhà quản trị sẽ quyết định được là nên duy trì hay thay đổi các hoạt động kinh doanh, công nghệ, sản phẩm hiện tại, mở rộng sản xuất, hay cần có công nghệ, sản phẩm mới.

Quản trị công nghệ tốt sẽ giúp doanh nghiệp nhìn nhận rõ về năng lực công nghệ của mình nhằm khắc phục các điểm yếu và phát huy các điểm mạnh sẵn có, bảo đảm các quyết định đưa ra hiệu quả và chính xác. Quản trị công nghệ tốt cũng giúp cho doanh nghiệp giành chiến thắng khi tung ra một sản phẩm hay một phương thức marketing mới, nhờ hiểu rõ năng lực của đối thủ cạnh tranh và đi trước đối thủ một bước trong việc đổi mới công nghệ.

Theo Lưu Hà Danh/Doanh nhân Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm

Ông Hà Trọng Khiêm, Phó Tổng giám đốc MB (bên trái) nhận giải thưởng “Ngân hàng tiêu biểu về tín dụng xanh”

MB được vinh danh ‘Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2024’

Với cú đúp giải thưởng ‘Ngân hàng Tiêu biểu về Tín dụng xanh’ và ‘Ngân hàng Tiêu biểu vì Cộng đồng’, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) một lần nữa khẳng định những bước đi tiên phong trong hành trình phát triển bền vững của mình với mục tiêu mang lại những giá trị tốt đẹp cho môi trường và xã hội...

Bee Logistics hợp tác tài chính toàn diện cùng Techcombank

Bee Logistics hợp tác tài chính toàn diện cùng Techcombank

Techcombank và Bee Logistics thống nhất cùng triển khai bộ giải pháp tài chính toàn diện: Giải pháp quản lý dòng tiền tích hợp, giải pháp vốn lưu động, đầu tư và các giải pháp giao dịch và tài trợ cho hệ sinh thái của Bee Logistics...

Đại diện Lãnh đạo BIDV và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại buổi làm việc

Việt Nam có thêm 50 triệu EUR vốn tín dụng khí hậu xanh

BIDV đã huy động nhiều nguồn vốn xanh từ các Nhà tài trợ nước ngoài để phục vụ, cho vay lại tới khách hàng; trong đó những dự án lớn của AFD do BIDV triển khai đã đem lại hiệu quả tích cực tới môi trường xã hội...