Trước hàng loạt những vấn đề trên, nếu chính quyền thành phố Phú Quốc không xử lý nghiêm những hành vi sai phạm và có sự điều chỉnh kịp thời, nơi đây sẽ khó giữ được lợi thế cạnh tranh và sự yêu mến của du khách trong dài hạn...
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn sâu sắc hơn về toàn cảnh du lịch Phú Quốc, Thương gia đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Công Tâm – Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Phú Quốc.
Hiện Phú Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề có thể là rào cản trong phát triển du lịch, như việc phát triển quá nóng, ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, cảnh quan và hạ tầng cơ sở, giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu... Là một người sinh ra và lớn lên tại Phú Quốc, đặc biệt đã có nhiều năm gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch tại địa phương, ông có thể đưa ra quan điểm cá nhân của mình về thực trạng chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch trên địa bàn?
Là người con của Phú Quốc, chứng kiến vùng đất này từ những ngày còn hoang sơ đến khi trở thành trung tâm du lịch nổi bật của cả nước, tôi cảm thấy tự hào nhưng đồng thời cũng rất trăn trở. Sự phát triển nóng trong vài năm qua tuy mang lại diện mạo mới cho đảo, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch và hạ tầng.
Chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch hiện nay đang bị phân hóa rõ rệt. Có những khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt chuẩn quốc tế, nhưng cũng có không ít điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống và vận chuyển chưa đảm bảo chất lượng, thiếu tính chuyên nghiệp và bền vững. Việc khai thác tài nguyên du lịch còn thiên về số lượng hơn là chiều sâu trải nghiệm.
Điều khiến tôi lo lắng nhất là bản sắc văn hóa địa phương đang dần bị lãng quên, thay vào đó là những mô hình “copy-paste” từ nơi khác, thiếu dấu ấn riêng. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, Phú Quốc sẽ khó giữ được lợi thế cạnh tranh và sự yêu mến của du khách trong dài hạn.
Sau gần 10 năm thành lập và hoạt động, Hội hướng dẫn viên chuyên nghiệp Phú Quốc đã có những đóng góp cụ thể gì để cùng chính quyền địa phương xây dựng và phát triển ngành du lịch, thưa ông?
Hội Hướng dẫn viên du lịch Phú Quốc từ khi thành lập đã luôn đặt mục tiêu đồng hành cùng chính quyền và doanh nghiệp trong việc xây dựng một môi trường du lịch lành mạnh, chuyên nghiệp.
Chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh cho các hướng dẫn viên và lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Đặc biệt, Hội luôn nhấn mạnh việc giữ gìn văn hóa địa phương, từ trang phục, ẩm thực đến cách kể chuyện cho du khách.
Phú Quốc là một hòn đảo lớn tại Việt Nam có diện tích 589,23 km², thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm trong Vịnh Thái Lan.Phú Quốc được mệnh danh là Đảo Ngọc với những điểm đến nổi tiếng, hấp dẫn nổi bật với bãi biển hoang sơ, cát trắng mịn, nước biển trong veo thu hút rất nhiều khách du lịch đến đây tham quan và thưởng thức các hải sản nổi tiếng tại Phú Quốc.
Chúng tôi cũng đã kết nối nhiều đơn vị lữ hành ở các tỉnh thành khác, tạo cơ hội hợp tác giao lưu, chia sẻ tour tuyến mới và học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ vậy, Hội còn chủ động phản ánh những bất cập trong hoạt động du lịch tại địa phương để kịp thời điều chỉnh, kiến nghị với chính quyền những giải pháp cải thiện môi trường du lịch, cả về chất lượng dịch vụ lẫn thái độ phục vụ.
Có thể nói, dù là một tổ chức nghề nghiệp nhỏ, nhưng chúng tôi đang góp phần nâng cao giá trị con người trong du lịch – yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững.
Để khắc phục những hạn chế về hạ tầng và dịch vụ du lịch, ông sẽ khuyến nghị những giải pháp cụ thể nào với chính quyền địa phương?
Trước tiên, tôi cho rằng chính quyền cần xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thực sự, từ đó có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, cấp nước, xử lý rác thải, bãi đỗ xe, wifi công cộng… Đồng thời, cần có chế tài nghiêm minh với việc xây dựng trái phép, phá vỡ quy hoạch.
Về dịch vụ, nên có bộ tiêu chí xếp hạng cơ sở lưu trú, điểm tham quan và dịch vụ vận tải địa phương, không để “vàng thau lẫn lộn”. Bên cạnh đó, tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch sáng tạo.
Tôi cũng đề xuất xây dựng Trung tâm Hỗ trợ Du khách để cung cấp thông tin chính thống, hỗ trợ kịp thời và tăng cường niềm tin của du khách vào điểm đến.
Cuối cùng, đẩy mạnh hợp tác công – tư trong quảng bá thương hiệu Phú Quốc ra thế giới, đồng thời phát triển sản phẩm du lịch bản địa có hàm lượng văn hóa cao.
Nếu những giải pháp này được thực hiện đồng bộ và liên tục, tôi tin rằng Phú Quốc sẽ trở thành hình mẫu phát triển du lịch bền vững, hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc Việt Nam.
Với hiểu biết của mình về Phú Quốc, ông có thể nêu ra một số sản phẩm và dịch vụ du lịch mới mà Phú Quốc có thể phát triển?. Những sản phẩm và dịch vụ mới theo ý tưởng của ông sẽ đóng góp thế nào vào sự phát triển chung của ngành du lịch Phú Quốc?
Tôi cho rằng Phú Quốc đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển các dòng sản phẩm du lịch mới, mang tính trải nghiệm và chiều sâu văn hóa.
Thứ nhất, du lịch nông nghiệp sinh thái – kết hợp tham quan vườn tiêu, vườn sim, nuôi ong, chế biến hải sản – vừa giúp du khách hiểu thêm về đời sống bản địa, vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Thứ hai, phát triển các tuyến du lịch làng nghề truyền thống, như làm nước mắm, đan lưới, đóng tàu, làm ngọc trai – giúp gìn giữ di sản văn hóa biển đảo và tạo nét độc đáo cho sản phẩm du lịch.
Thứ ba, du lịch chữa lành (wellness) và thiền định – tận dụng không gian thiên nhiên hoang sơ của rừng nguyên sinh, suối đá, bãi biển yên bình để phát triển các chương trình nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần.
Cuối cùng, sản phẩm du lịch đêm – như chợ đêm địa phương, show nghệ thuật dân gian, hay tour “Câu mực đêm kèm trải nghiệm văn hóa ngư dân” – sẽ giúp gia tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách.
Những sản phẩm này không chỉ giúp đa dạng hóa trải nghiệm mà còn kéo giãn lượng khách, góp phần giảm áp lực lên các điểm đến nổi tiếng và tạo ra sự phát triển bền vững, hài hòa giữa du lịch và đời sống cộng đồng.
Theo ông, đâu là những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch Phú Quốc trong tương lai?
Có 4 yếu tố chính mà tôi cho là có tác động lớn đến sự phát triển tương lai của du lịch Phú Quốc. Đó là, quy hoạch và chính sách quản lý: Nếu quy hoạch tiếp tục bị phá vỡ, hoặc thiếu tầm nhìn dài hạn, sẽ gây quá tải về hạ tầng, môi trường và làm giảm chất lượng sống lẫn trải nghiệm du khách.
Đến Phú Quốc, du khách không thể bỏ qua những địa điểm như Bãi Sao, Bãi Dài, Bảo tàng Cội Nguồn, Suối Tranh, Hòn Thơm... Trong đó Hòn Thơm được mệnh danh là một trong những hòn đảo xinh đẹp và hoang sơ nhất Phú Quốc. Hòn Thơm Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất trong xã Hòn thơm được Thủ tướng ký quyết định thành lập năm 2003 , dân số hiện tại trên đảo hơn 3000 người. Người dân tập trung sống 2 bên bờ Đông và bờ Tây của đảo. Mỗi hộ gia đình ở Hòn Thơm đều có 2 căn nhà và di chuyển nhà ở theo mùa gió.
Tiếp đến là môi trường và biến đổi khí hậu: Phú Quốc là đảo nên rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu. Xói mòn bờ biển, ô nhiễm nước, rác thải du lịch... là những nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch xanh.
Thứ 3 là nguồn nhân lực du lịch: Một đội ngũ lao động có tay nghề, yêu nghề, được đào tạo bài bản là yếu tố sống còn để giữ chân du khách.
Và cuối cùng là chuyển đổi số trong du lịch: Việc áp dụng công nghệ vào quản lý, truyền thông và đặt dịch vụ sẽ là xu thế tất yếu. Phú Quốc cần nhanh chóng thích ứng để không bị tụt lại phía sau.
Xin cảm ơn ông!