Chuyển đổi số đã trở thành nhiệm vụ tối quan trọng đối với các ngân hàng bởi lẽ xu hướng của tương lai là công nghệ. Ngân hàng nào không chạy đua công nghệ đồng nghĩa với việc tự chấp nhận bị bỏ lại phía sau và tiếp đó là “loại khỏi cuộc chơi”. Bởi vậy, hàng loạt ngân hàng tập trung đẩy mạnh các tiện ích số nhằm “giữ chân” khách hàng và thu hút các khách hàng mới.
Hướng phát triển bền vững
Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế cùng với sự năng động và nhạy bén, ngành ngân hàng đã và đang vận dụng tốt các thành tựu của sự phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc về trí tuệ nhân tạo - AI (Artificial Intelligence) và dữ liệu lớn (Big data) vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.
Thực tế, sự phát triển của ngân hàng số đã bắt đầu từ năm 2000, bắt đầu với mô hình internet banking, online banking đến ngân hàng di động (mobile banking) nhờ vào internet và điện thoại thông minh để khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng mọi lúc mọi nơi.
Đến nay, các ngân hàng đã hướng đến việc nâng cao tiêu chuẩn của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ngân hàng di động bằng cách tích hợp các công nghệ số như các công cụ phân tích, tương tác qua mạng xã hội, các giải pháp thanh toán đổi mới, công nghệ di động và tập trung vào trải nghiệm của người sử dụng.
Mới đây nhất, sau gần 1 năm triển khai thử nghiệm, ngày 5/3/2021, các ngân hàng Việt Nam đã chính thức được triển khai định danh trực tuyến khách hàng (eKYC). Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện eKYC là một bước tiến vô cùng quan trọng trong giao dịch tại các ngân hàng.
Theo chia sẻ của ông Đỗ Thái Bình - Giám đốc Trung tâm kinh doanh khách hàng doanh nghiệp lớn - Hội sở VIB, việc ứng dụng ngân hàng số đã tạo ra được các kết quả đáng ghi nhận và là tiền đề cho sự phát triển đột phá trong tương lai.
Cụ thể, các dịch vụ ngân hàng số tạo điều kiện cho khách hàng được tiếp cận dịch vụ phong phú và đa dạng. Nếu internet banking, mobile banking đơn thuần chỉ tập trung vào một số tính năng như chuyển tiền, tra cứu số dư và thanh toán, thì ngân hàng số lại là một bước nhảy vọt vì khách hàng hoàn toàn có thể thực hiện tất cả các giao dịch thông qua internet.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp các ngân hàng thương mại giảm thiểu chi phí, tăng lợi nhuận và hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, còn giúp các ngân hàng tăng năng lực cạnh tranh, bởi quy trình giao dịch đơn giản với tốc độ nhanh, giảm thiểu thời gian chờ của khách hàng với chất lượng ngày một nâng cao và chi phí dịch vụ ngày càng thấp. Đồng thời, thông qua cơ sở dữ liệu được lưu trữ điện tử, các ngân hàng có thể phân tích, đánh giá khách hàng để từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp hơn.
“Tiềm năng phát triển kinh doanh của ngành ngân hàng còn dư địa tăng trưởng rất lớn nếu các ngân hàng thành công trong việc chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ như AI, Big data, tự động hoá,... vào việc thiết kế và cung ứng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng sẽ ngày càng nâng cao hiệu quả kinh doanh”, TS. Hoàng Hải Yến - Trưởng khoa Ngân hàng - Trường Kinh doanh UEH nhận định.
Hành trình không hồi kết
Nhận thấy được tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị triển khai, đặc biệt là rà soát và chỉnh sửa hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số.
Đến nay, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã được thiết lập và kết nối với các dịch vụ ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế được diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng tương đối tốt.
Số người dùng thanh toán điện tử đã tăng lên rất nhanh, riêng về doanh số thanht áon điện tử của Việt Nam được dự abso tăng ởmuwcs 20 - 30%/năm. Điều này là phù hợp với thế giới.
TS. Cấn Văn Lực
Trong 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, giao dịch qua POS tăng tương ứng 14,25% và 12,6% về số lượng và giá trị giao dịch; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,39% và 29,14%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,67% và 85,09%; thanh toán qua kênh QR code tăng tương ứng 54,24% và 120,64% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code...
Từ những thành quả này, Ngân hàng Nhà nước xác định chuyển đổi số là xu hướng và đã từ khóa quan trọng trong mấy năm qua, sẽ tiếp tục là một nội dung trọng tâm trong kế hoạch năm 2022 của nhiều tổ chức và doanh nghiệp. Bên cạnh chuyển đổi công nghệ, sự chuyển đổi về văn hóa và quy trình làm việc theo lối linh hoạt hơn sẽ trở thành ưu tiên trong năm tới.
Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nhiều vấn đề được đặt ra trong đó có hoàn thiện thể chế chính sách cho các ngân hàng, cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh hợp tác, phát triển giữa các ngân hàng với các công ty Fintech, Bich Tech, đặt ra khuôn khổ cho Sandbox hay luật giao dịch điện tử.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, việc đầu tiên phải làm là xây dựng khung pháp lý chuẩn mực. Rất nhiều người lo lắng khung pháp lý của Việt Nam còn quá chậm, nhưng chúng ta cần có một khoảng thời gian vừa đủ để xây dựng hạ tầng cơ sở pháp lý một cách chặt chẽ, không nên vội vàng bước vào những phạm vi chưa hoàn toàn kiểm soát được.
Ngoài ra, hạ tầng cơ sở về công nghệ thông tin cần được chú trọng, như đầu tư về phần mềm, phần cứng, đầu tư về con người. Đặc biệt, nếu muốn biến một nền kinh tế trở thành nền kinh tế công nghiệp hóa - hiện đại hóa, sử dụng tất cả công nghệ thông tin hiện đại, thì không những bộ phận quản lý phải có kỹ năng, mà ngay cả người dân cũng phải nâng cao trình độ lên.
Nhìn chung, theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được xác định là một hành trình không hồi kết để theo kịp xu thế và yêu cầu của thời đại hiện nay. Bởi lẽ, Việt Nam tiến một thì thế giới và khu vực cũng tiến, ít nhất là tương đương.