Khảo sát biểu lãi suất huy động tại 25 ngân hàng trong sáng ngày 19/3 cho thấy, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức thông báo giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm các loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất theo xu hướng giảm tại nhiều kỳ hạn.
Lãi suất huy động tiếp tục giảm
Đối với các khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng, lãi suất huy động cao nhất là 6%/năm. Các ngân hàng niêm yết mức lãi suất này là Nam A Bank, LienVietPostBank, Bac A Bank, DongA Bank, OceanBank, MSB, IVB, Techcombank, Kienlongbank, GPBank, Viet Capital Bank…
Bên cạnh đó, ngân hàng còn lại có mức lãi suất dao động trong khoảng 3,9%/năm – 5.95%/năm như: TP Bank (5,9%/năm), OCB (5,95%/năm), PvcomBank (5,7%/năm)… Hiện, mức lãi suất 3,9%/năm là mức lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn 3 tháng, được ghi nhận ở ngân hàng CBBank.
Tại kỳ hạn 6 tháng, phạm vi lãi suất huy động dao động trong mức 5,8%/năm – 9%/năm. Ngân hàng SCB hiện giữ mức lãi suất huy động cao nhất là 9%/năm. Theo ngay sau là mức lãi 8,9%/năm thuộc về ngân hàng KienlongBank.
Một số ngân hàng có lãi suất kỳ hạn 6 tháng xấp xỉ 9% là BaoVietBank , OceanBank , BacABank…đều niêm yết ở ở mức 8,8%/năm. Thấp hơn một chút là mức 8,6%/năm, ghi nhận ở các ngân hàng NCB, Nam A Bank, ABBank.
Mức lãi suất trên 8%/năm ở kỳ hạn 6 tháng, còn ghi nhận ở các ngân hàng: LienVietPostBank ( 8,5%/năm), OCB (8,5%/năm), VietABank (8,5%/năm), VPBank (8,4%/năm), IVB (8,3%/năm), MSB (8,3%/năm), Techcombank (8,2%/năm), Pvcombank (8,2%/năm), Viet Capital Bank (8,1%/năm), VIB (8,1%/năm)…
Các ngân hàng có lãi suất cao tiếp theo có thể kể đến: SHB (8%/năm), TPBank (7,8%/năm), Sacombank (7,7%/năm)…
Ở kỳ hạn 12 tháng, ABBank đang là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất là 9,1%/năm, dành cho khách hàng khi gửi tiền trực tuyến. Theo khảo sát, có 3 ngân hàng đàng duy trì mức lãi suất huy động lên đến 9%/năm là SCB, OceanBank, BaoVietBank.
Mức lãi suất 8,9% cho kỳ hạn 12 tháng ghi nhận ở các ngân hàng: Kienlongbank, MSB, Saigonbank, Viet Capital Bank, Nam A Bank, Bac A Bank.
Ngân hàng OCB, VPBank, IVB đều ấn định mức lãi suất 8,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.
Khách hàng khi gửi tiết kiệm có thể tham khảo lãi suất tương đối cao ở một số ngân hàng sau: Pvcombank (8,7%/năm), DongABank (8%/năm), LienVietPostBank (8,6%/năm), SHB (8,5%/năm), Techcombank (8,2%/năm), VIB (8,2%/năm), TPBank (8,2%/năm), Sacombank (8,1%/năm)…
Đáng chú ý, lãi suất huy động ở 4 ngân hàng thương mại có vốn đầu tư Nhà nước là VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank cũng đồng loạt giảm 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, mức lãi suất tiết kiệm áp dụng cho kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,8%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng là 7,2%/năm. Việc giảm lãi suất đợt này tiếp tục đưa mặt bằng lãi suất huy động của nhóm ngân hàng này xuống mức thấp nhất thị trường.
Hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Maybank (MBKE), các chuyên gia phân tích nhận định động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là điều tích cực, cho thấy của Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế bằng cách hạ lãi suất. Tuy vậy, với những diễn biến gần đây, MBKE cho rằng lãi suất có dư địa để giảm mạnh hơn và có tác động mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023 và sớm nhất có thể là cuối tháng 4.
Thị trường chứng khoán phản ứng khá tích cực trước động thái mới của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tâm lý hưng phấn chỉ tồn tại trong ngắn hạn, thị trường muốn thực sự có những bứt phá trung và dài hạn thì đòi hỏi đi kèm là câu chuyện dòng tiền và triển vọng lợi nhuận.
“Sự điều chỉnh cũng cho thấy quan điểm thận trọng của Ngân hàng Nhà nước đối với việc điều hành lãi suất trong bối cảnh lạm phát trong nước chưa rõ ràng và FED vẫn duy trì quan điểm diều hâu về lạm phát. Việc cắt giảm lãi suất này là nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm áp lực lên nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát chưa được kiểm soát và mặt bằng lãi suất hạ nhiệt", nhóm phân tích MBKE đánh giá.
Các chuyên gia của MBKE cũng cho rằng, tác động cận biên của việc cắt giảm lãi suất chiết khấu 1 điểm % đối với môi trường lãi suất do trái phiếu Chính phủ đóng góp là không đáng kể khi trần lãi suất huy động ngắn hạn vẫn được duy trì ở mức 6%.
Trái phiếu Chính phủ được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngắn hạn với lãi suất chiết khấu từ Ngân hàng Nhà nước và điều này đang góp một lượng nhỏ 6% cho nguồn vốn của ngân hàng. Nếu tất cả số tiền này được thế chấp để vay ngắn hạn từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất có thể giảm xuống chỉ còn 0,06%.
“Đối với tác động đối với các ngân hàng, chúng tôi cho rằng các ngân hàng có tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ cao hơn trong tổng nguồn vốn, chẳng hạn như ACB, OCB, Sacombank, LienVietPostBank,...có thể giảm nhẹ áp lực lên chi phí vốn của các ngân hàng” các chuyên gia MBKE cho biết.