Trong thông báo mới nhất, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank – mã chứng khoán: TPB) đã cập nhật thông tin thay đổi về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng.
Theo đó, cái tên mới xuất hiện trong danh sách là cổ đông tổ chức SCB Vietnam Alpha Fund Not for Retail Investors. Quỹ đầu tư này hiện nắm giữ 30.335.800 cổ phiếu TPB, tương đương tỷ lệ sở hữu đạt 1,1482% vốn ngân hàng.
Theo tìm hiểu, SCB Vietnam Alpha Fund Not for Retail Investors là một quỹ đầu tư đặc biệt được SCB Asset Management (SCBAM) cung cấp - công ty quản lý quỹ thuộc Siam Commercial Bank (SCB) ở Thái Lan. Tại Việt Nam, quỹ này cũng đang đầu tư vào ngân hàng Sacombank với tỷ lệ sở hữu là 1,57%, tương ứng 29.597.000 cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, quỹ ngoại Vietnam Enterprise Investments Limited, quỹ do Dragon Capital quản lý đã thoái vốn tại TPBank. Trong lần công bố trước, quỹ này từng nắm hơn 24,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,12% vốn tại TPBank. Người có liên quan tổ chức sở hữu hơn 11,64 triệu, tương ứng 0,53% vốn điều lệ.

Theo đó, danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn của TPBank hiện còn 21 thành viên, trong đó có 12 tổ chức và 9 cá nhân. Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) là pháp nhân nắm nhiều cổ phiếu TPB nhất với 149 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 6,7% vốn điều lệ TPBank. Đứng thứ hai là Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI với tỷ lệ sở hữu 5,9%.
PYN Elite Fund (NON-UCITS) vươn lên trở thành cổ đông tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu TPB thứ ba với 4,7% vốn.
Ngoài ra, có 10 tổ chức khác sở hữu trên 1% vốn điều lệ TPBank, trong đó, nhóm cổ đông SBI Ven Holdings PTE. LTD và người có liên quan đang nắm giữ khoảng 20% vốn điều lệ TPBank, Công ty Cổ phần Hải Phòng Invest và Công ty Cổ phần phát triển Bất động sản Dragon cùng người có liên quan có cùng mức sở hữu 10,6% vốn...
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024, ngân hàng TPBank lãi trước thuế thuế hơn 2.136 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước nhờ giảm mạnh dự phòng rủi ro và tăng thu nhập từ chứng khoán đầu tư. Trong quý 4/2024, TPBank giảm 12% thu nhập lãi thuần so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 3.068 tỷ đồng.
TPBank giải trình cơ cấu lợi nhuận có sự dịch chuyển khi giảm lệ thuộc vào tín dụng, chuyển sang mô hình kinh doanh đa dịch vụ. Theo đó, lãi thuần từ dịch vụ tăng 42%, đạt gần 909 tỷ đồng, nhờ phát triển dịch vụ số hóa và tiện ích thanh toán. Ngoài ra, TPBank cũng đẩy mạnh phát triển dịch vụ số, từ cho vay, bảo hiểm đến thanh toán, đóng góp lớn doanh thu từ phí.
Đáng chú ý, mảng thu nhập từ chứng khoán đầu tư thu được khoản lãi gần 724 tỷ đồng, gấp gần 23 lần cùng kỳ. Thêm vào đó, ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động 3%, chỉ còn 1.794 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ kinh doanh thu được 3.327 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với việc ngân hàng chỉ trích 1.190 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm mạnh 40%, do đó lãi trước thuế gấp 3,4 lần cùng kỳ, đạt hơn 2.136 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2024, TPBank lãi trước thuế gần 7.600 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước. Qua đó, ngân hàng hoàn thành kế hoạch 7.500 tỷ đồng đề ra cho cả năm.