Ngân hàng nào đang "ôm" nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản nhất?

Tại 10 ngân hàng, tài sản đảm bảo là bất động sản có giá trị lên tới hơn 4 triệu tỷ đồng, chiếm 56% tổng giá trị tài sản đảm bảo tại đây.
Ngân hàng nào đang "ôm" nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản nhất?

Tuy không phải là ngân hàng có dư nợ cho vay lớn nhất nhưng VietinBank đang là nhà băng có lượng tài sản cầm cố, thế chấp,... đảm bảo cho các khoản vay nhiều nhất. Kiểm toán xác định giá trị tài sản thế chấp, cầm cố và chiết khấu, tái chiết khấu tại VietinBank có giá trị lên tới 1,74 triệu tỷ đồng. Con số này không chỉ gấp đôi dư nợ cho vay tại ngân hàng (867.566 tỷ đồng) mà còn lớn hơn cả tổng tài sản của nhà băng này. Trong đó, tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản, có giá trị 961.093 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng còn có hơn 559.286 tỷ đồng là tiền gửi, vàng, đá quý,…được sử dụng làm tài sản cầm cố, thế chấp tại đây.

Theo sau VietinBank là BIDV, Vietcombank và MB. Tương tự như VietinBank, tài sản bảo đảm tại những ngân hàng này đều lớn hơn rất nhiều so với dư nợ cho vay. Cuối tháng 6, dư nợ cho vay của Vietcombank là 606.053 tỷ đồng, trong khi kiểm toán xác định giá trị ghi sổ của khối tài sản đảm bảo mà Vietcombank nắm giữ lên tới 873.675 tỷ đồng.

Có nhiều loại tài sản bảo đảm tại các ngân hàng như bất động sản, động sản, tiền gửi, vàng, đá quý, giấy tờ có giá, phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị, hàng tồn kho,….Tuy nhiên, tài sản chủ yếu và phổ biến nhất vẫn là bất động sản. Trong 10 ngân hàng chúng tôi thống kê được thì VietinBank, BIDV, Vietcombank, ACB, Sacombank và SHB là những ngân hàng nắm giữ tài sản bảo đảm là bất động sản lớn nhất. Giá trị của các khối bất động sản còn lớn hơn cả tổng dư nợ cho vay tại ngân hàng đó.

Giá trị bất động sản tại 10 ngân hàng đạt hơn 4 triệu tỷ đồng - chiếm tới 56% tổng giá trị tài sản đảm bảo, trong đó có những ngân hàng như Sascombank, ACB, Eximbank có tỷ lệ trên 70%. Tại ACB, 89% tài sản đảm bảo là bất động sản, có giá trị đạt khoảng 363.608 tỷ đồng, còn lớn hơn tổng dư nợ cho vay (chỉ 221.861 tỷ đồng).

Trong khi đó, ở một số nhà băng tỷ lệ này thấp hơn, họ chấp nhận nhiều loại tài sản đảm bảo khác, đặc biệt là giấy tờ có giá. Chẳng hạn tại MB, giá trị bất động sản chỉ ở mức 182.200 tỷ đồng, chiếm 30% trong danh mục tài sản đảm bảo tại ngân hàng này trong khi giá trị giấy tờ có giá lên tới 194.548 tỷ đồng. Hay tại HDBank, giấy tờ có giá cũng đạt 142.428 tỷ đồng, gần bằng giá trị các bất động sản thế chấp tại đây (148.000 tỷ đồng).

Trên thực tế, bất động sản vẫn được các ngân hàng ưu tiên nhận làm tài sản cầm cố, thế chấp,...hơn cả bởi đây là những tài sản có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu rõ ràng nhất, ít hao mòn giá trị, giá chuyển nhượng bất động sản thường tăng trong dài hạn do đặc tính khan hiếm.

Nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản, hoạt động rao bán các tài sản bảo đảm là đất đai và tài sản gắn liền trên đất ở các ngân hàng thương mại thời gian gần đây được đẩy mạnh hơn nhằm xử lý nợ xấu. Điển hình nhất là ở Sacombank đang chào bán hàng loạt bất động sản với giá trị hàng nghìn tỷ đồng như dự án Khu công nghiệp Phong Phú, TP.HCM với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng, dự án ở khu dân cư Bình Trị Đông với giá khởi điểm gần 6.700 tỷ,...

Theo Diệp Trần/Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...