Tỷ giá sẽ tiếp tục tăng và dần hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2024, VN-Index có thể vượt mốc 1.360 điểm

Theo dự báo của KBSV, tỷ giá sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhưng sẽ dần hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2024. Đồng thời, KBSV nâng nhẹ dự báo chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm lên 1.360 điểm, từ mức 1.330 điểm đưa ra trong báo cáo chiến lược năm 2024...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ty-gia-co-phieu-1-9030.jpeg

Mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã công bố báo cáo chiến lược thị trường quý 2/2024 với nhiều dự báo quan trọng về tỷ giá và thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

TỶ GIÁ DỰ BÁO TĂNG 2,5%, ĐẠT 24.850 USD/VND

Theo KBSV, tỷ giá được dự báo sẽ còn tiếp tục xu hướng tăng nhưng sẽ dần hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2024.

Áp lực tỷ giá gia tăng đã khiến Ngân hàng Nhà nước có động thái hút ròng tín phiếu từ giữa tháng 3 với mục đích làm tăng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, từ đó giảm áp lực tỷ giá từ hoạt động giao dịch đầu cơ carry trade.

Nhóm phân tích KBSV cho rằng, trong ngắn hạn, diễn biến tăng của tỷ giá sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi xu hướng tăng của DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ với áp lực lạm phát và giá dầu khiến kỳ vọng về việc FED Pivot lùi dần; giá vàng vượt đỉnh thời đại và được dự báo tiếp tục ở ngưỡng cao gây áp lực lên tỷ giá chợ đen và sự phục hồi của hoạt động nhập khẩu và động thái găm giữ ngoại tệ.

anh-chup-man-hinh-2024-04-11-luc-151720-422.png

Với bối cảnh tỷ giá liên ngân hàng tiến sát về vùng chặn bán của Ngân hàng Nhà nước, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước có thêm các động thái quyết liệt hơn như bán hợp đồng kỳ hạn USD.

Dù vậy, trong trung hạn, với định hướng xuyên suốt là duy trì mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp, cùng kỳ vọng chỉ số DXY hạ nhiệt khi tiến gần thời điểm FED hạ lãi suất, KBSV cho rằng áp lực tỷ giá cả năm 2024 nhìn chung sẽ chỉ căng thẳng cục bộ ở 1 vài thời điểm và không phải yếu tố khiến mặt bằng lãi suất bật tăng mạnh trở lại với kịch bản cơ sở giá dầu WTI không vượt xa ngưỡng 90 .

anh-chup-man-hinh-2024-04-11-luc-151630-2491.png

Thêm vào đó, tỷ giá trong năm nay cũng sẽ được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ đến từ hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng tích cực. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tính đến ngày 20/3 đạt 6,17 tỷ USD tăng 13,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng đầu năm ước đạt 4,63 tỷ USD tăng 7,1% và là mức cao nhất trong 5 năm qua.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 178,04 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu đạt 84,98 tỷ USD, tăng 18%. Tính chung 3 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 8,08 tỷ USD. Hoạt động của doanh nghiệp nội tiếp tục cải thiện và phục hồi khi chỉ nhập siêu 1,29 tỷ USD. Do đó, KBSV dự báo tỷ giá tăng 2,5% trong năm nay, đạt 24.850 USD/VND.

NÂNG DỰ BÁO VN-INDEX CUỐI NĂM LÊN 1.360 ĐIỂM

Nhìn nhận về triển vọng thị trường chứng khoán quý 2 trong báo cáo mới đây, Chứng khoán KBSV đánh giá chưa xuất hiện yếu tố mới nào có thể thay đổi vùng định giá P/E của chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm ở 15,3 lần (thấp hơn mức 16,5 lần hiện tại).

anh-chup-man-hinh-2024-04-11-luc-151546-1911.png

Dù vậy, đội ngũ phân tích nâng dự phóng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết từ 16,4% lên 19% sau khi đánh giá thêm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 vừa qua cũng như triển vọng phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024.

Động lực đến từ một số yếu tố như chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng và khó có khả năng đảo chiều chính sách; động lực tăng trưởng đến từ chính sách đầu tư công, miễn giảm thuế, thu hút vốn FDI; mức nền lợi nhuận thấp trong cùng kỳ.

anh-chup-man-hinh-2024-04-11-luc-151521-6997.png

Do đó, KBSV nâng nhẹ dự báo chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm lên 1.360 điểm, từ mức 1.330 điểm đưa ra trong báo cáo chiến lược năm 2024.

Các yếu tố hỗ trợ thị trường tiếp tục đến từ sự phục hồi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết; mặt bằng lãi suất thấp của nền kinh tế tiếp tục được duy trì; triển khai hệ thống giao dịch KRX và triển vọng nâng hạng thị trường vào tháng 9; tác động tích cực từ thị trường chứng khoán Mỹ nhờ kỳ vọng FED hạ lãi suất, và kinh tế Mỹ hạ cánh mềm.

"Sau nhịp tăng mạnh từ cuối tháng 10/2023 cho đến nay, mức định giá P/E của thị trường hiện không còn rẻ và ở 16,5 lần (tương đương mức bình quân 2 năm cộng 1 độ lệch chuẩn). Điều này cho thấy thị trường đã phản ánh tương đối đầy đủ các yếu tố kỳ vọng được nêu ở trên. Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng đây là vùng giá đắt của chỉ số VN-Index trong bối cảnh nhiều yếu tố thuận lợi còn ở trước mắt", báo cáo phân tích nêu rõ.

anh-chup-man-hinh-2024-04-11-luc-151421-8862.png

Mặc dù vậy, KBSV cũng cho rằng một nhịp điều chỉnh là cần thiết để giải tỏa áp lực chốt lời, cũng như phản ánh các rủi ro từ yếu tố tỷ giá, trước khi thị trường nhận thêm sự hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản như tăng trưởng trong các mùa báo cáo kết quả kinh doanh, số liệu vĩ mô tích cực, hay các động lực đến từ việc triển khai hệ thống KRX, nâng hạng thị trường và FED hạ lãi suất.

Với kỳ vọng áp lực tỷ giá chỉ mang tính chất thời điểm và triển vọng thị trường trong trung hạn vẫn được đánh giá tích cực như nhận định ở trên, đội ngũ phân tích cho rằng nhịp điều chỉnh này là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu vùng giá thấp cho mục tiêu đầu tư trung dài hạn.

Từ góc độ triển vọng ngành, nhóm phân tích KBSV đánh giá tích cực đối với triển vọng các ngành Dầu khí, Thép, Cảng biển, Bất động sản Khu công nghiệp và Ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm