Ngân hàng Nhà nước đề xuất thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đề xuất sáp nhập Vụ Thi đua- Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ và thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước

Theo hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định, NHNN đã đưa ra đề xuất giữ ổn định số lượng đầu mối theo quy định tại Nghị định số 16/2017/NĐ-CP.

Đồng thời, đề xuất sáp nhập Vụ Thi đua-Khen thưởng vào Vụ Tổ chức cán bộ và thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trên cơ sở sắp xếp, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch thuộc NHNN.

Hiện nay, có 2 đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là Vụ Quản lý ngoại hối (thực hiện quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) và Sở Giao dịch (thực hiện các nghiệp vụ cụ thể về dự trữ ngoại hối nhà nước).

Hai đơn vị này vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ khác còn thực hiện nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối thực hiện quản lý nhà nước về ngoại hối, vàng; Sở Giao dịch thực hiện nghiệp vụ thị trường liên ngân hàng).

NHNN cho hay việc giao 02 đơn vị thuộc NHNN thực hiện quản lý, điều hành dự trữ ngoại hối nhà nước trong thời gian qua phù hợp với giai đoạn khi quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước còn nhỏ, các quyết định về định hướng đầu tư còn mang định tính, cần có sự tham gia của các đơn vị để mang tính khách quan và vừa phục vụ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, ổn định thị trường ngoại hối và quản lý thị trường vàng và phù hợp với tính chất các tài sản đầu tư đơn giản, ít rủi ro nên tính chuyên nghiệp còn chưa cao.

Tuy nhiên, khi quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng cao đạt mức trên 109,9 tỷ USD gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước năm 2010 và gấp gần 04 lần so với năm 2015 và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới theo quy mô của nền kinh tế.

Tổng tài sản có do Sở Giao dịch quản lý (cả bằng nội tệ và ngoại tệ) tính đến cuối năm 2021 đã lên tới 3.122.647,755 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2015 là 800.636 tỷ đồng.

Do vậy, khối lượng công việc tác nghiệp tại Sở Giao dịch đã trở nên quá tải do sự gia tăng của lượng tài sản cần quản lý, gây áp lực công việc lên lực lượng công chức.

Ngoài ra, do tình hình thị trường tài chính quốc tế trong những năm gần đây và dự kiến trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cùng với quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, các công việc liên quan đến xây dựng chính sách quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa đầu tư và phù hợp với những diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế tại Vụ Quản lý ngoại hối ngày càng gia tăng cả về khối lượng và tính chất phức tạp dẫn đến việc quá tải về khối lượng công việc.

NHNN cũng nhấn mạnh quản lý dự trữ ngoại hối là nhiệm vụ rất quan trọng của Ngân hàng Trung ương vì dự trữ ngoại hối đảm bảo khả năng thanh toán của quốc gia trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tiền tệ và được dùng để can thiệp thị trường ngoại tệ trong nước theo các mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia.

Khi quy mô dự trữ lớn, hầu hết các Ngân hàng Trung ương sẽ chuyển sang mô hình quản lý tập trung thành lập một đơn vị độc lập trong tổ chức bộ máy của Ngân hàng Trung ương để chuyên trách thực hiện công tác quản lý dự trữ ngoại hối. Do vậy, việc từng bước chuyển đổi sang phương thức quản lý mới, NHNN cần phải có một đơn vị mới độc lập chuyên trách về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế nhằm đổi mới công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp theo thông lệ quốc tế khi dự trữ ngoại hối nhà nước đạt quy mô nhất định, NHNN đề xuất thành lập Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước trên cơ sở sắp xếp, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch hiện nay đang thực hiện.

Chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước dự kiến bao gồm: xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.

Cùng đó, tham mưu, giúp Thống đốc NHNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; hướng dẫn đầu tư đối với tiền gửi ngoại tệ và vàng của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng; quản lý và thực hiện đầu tư của các quỹ thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước trên thị trường quốc tế (bao gồm xuất/nhập khẩu vàng); thực hiện các phương án can thiệp trên thị trường ngoại tệ và thị trường vàng trong nước theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và quản lý thị trường vàng của NHNN…

Như vậy, cơ cấu tổ chức của NHNN dự kiến sẽ gồm: Một tổ chức tương đương tổng cục là Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, 12 Vụ, 4 Cục, Văn phòng, Sở Giao dịch, các chi nhánh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 6 đơn vị sự nghiệp công lập.

Tờ trình của NHNN cũng cho thấy trong giai đoạn 2016-2020, cơ quan này đã thực hiện giảm 3 đơn vị thuộc cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, giảm 18 phòng (tỷ lệ giảm 38%). Không duy trì mô hình tổ chức cấp phòng trong các Vụ thuộc cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng.

Cơ quan này cũng đề nghị tiếp tục duy trì ổn định mô hình tổ chức của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương tổng cục trực thuộc NHNN; duy trì số lượng đầu mối các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng gồm 2 Vụ không có tổ chức phòng, văn phòng và 5 Cục có tổ chức phòng để phù hợp với tình hình hoạt động thực tế và đối tượng quản lý của từng đơn vị.

Ngoài ra, trung bình một Vụ (có tổ chức phòng) tại NHNN được phân bổ 53 chỉ tiêu biên chế. Nếu không còn mô hình cấp phòng, với khối lượng công việc của mỗi mảng ngày càng tăng về số lượng và độ phức tạp, công tác tham mưu cho lãnh đạo cấp Vụ ngày càng đòi hỏi tính chuyên sâu trong từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể sẽ gây áp lực rất lớn cho lãnh đạo cấp Vụ, khó khăn cho việc kiểm soát tiến độ, chất lượng công việc.

Vì vậy, NHNN đã đề xuất Vụ Chính sách tiền tệ có 6 phòng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Hợp tác quốc tế có 5 phòng. Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Thanh toán, Vụ Kiểm toán nội bộ, Vụ Dự báo, thống kê có 4 phòng. Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính và Vụ Pháp chế có 3 phòng.

Xem thêm

Đánh thuế nhà ở, giá bất động sản sẽ tăng?

Đánh thuế nhà ở, giá bất động sản sẽ tăng?

Nhiều ý kiến cho rằng giá nhà sẽ giảm sau khi đánh thuế, tuy nhiên một số chuyên gia lo ngại nếu áp thuế thì giá nhà sẽ ngày càng tăng. Trong khi đó, Bộ Xây dựng ủng hộ đề xuất này và đang nghiên cứu góp ý đánh thuế nhà thứ 2, thứ 3.

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...