Chiều 14/3, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông tin về việc điều chỉnh các mức lãi suất điều hành và có hiệu lực từ ngày 15/3/2023.
Cụ thể, tại Quyết định số 313 /QĐ-NHNN ngày 14/3/2023 lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm. Tuy nhiên, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Đồng thời, tại Quyết định số 314/QĐ-NHNN ngày 14/3/2023 lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Tương tự, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Điều kiện cần và đủ
Việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước được diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều bất trắc, lạm phát dù đã có dấu hiệu hạ nhiệt và qua đỉnh nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại nhiều nền kinh tế.
Theo đó, các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023: IMF (1/2023): 2,9%; WB (1/2023): 1,7%. Trong khi dự báo lạm phát được điều chỉnh tăng: IMF (01/2023): 6,6% (trước đó dự báo 6,5%) và 4,3% năm 2024 (trước đó là 4,1%).
Không nằm ngoài xu thế chung, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu do cầu thế giới chậm lại, các vấn đề tồn tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa thể sớm giải quyết. Một số chỉ số kinh tế giảm so với cùng kỳ như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, giải ngân FDI, khiến nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng chậm. Một số tổ chức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,8-7,2%.
Song song, lạm phát của Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao nhưng đã có xu hướng chậm lại trong 2 tháng đầu năm, lạm phát CPI so với cùng kỳ tháng 1 và 2 giảm từ 4,89% xuống 4,31%, bình quân là 4,6%; lạm phát cơ bản từ 5,21% xuống 4,96%, bình quân 5,08%. Năm 2023, các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát bình quân khoảng 3,0-5,5%.
Thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Từ tháng 1/2023, Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng tiền lớn VND vào lưu thông. Ngày 13/3/2023, tỷ giá trung tâm ở mức 23.638 VND/USD, tăng khoảng 0,1% so với cuối năm 2022; tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng khoảng 23.555 VND/USD, giảm 0,1% so với cuối năm 2022; tỷ giá niêm yết mua -bán của Vietcombank ở mức 23.400 - 23.740VND/USD, tương đương mức cuối năm 2022.
Về lãi suất, trong tháng 2/2023, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng. Đến nay mặt bằng lãi suất dần ổn định; hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các ngân hàng khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới ở mức khoảng 9,4%/năm, trong đó nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi và cho vay .
Như vậy, cả điều kiện cần và đủ đều đã được hội tụ để Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định giảm lãi suất điều hành. Trong đó, điều kiện cần là kinh tế đang có dấu hiệu suy thoái. Còn điều kiện đủ gồm lạm phát tăng chậm; thanh khoản và tỷ giá hệ thống ngân hàng ổn định...
Chính sách tiền tệ linh hoạt
Chia sẻ thêm về hành động trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
"Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, cơ quan này không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5% ngay từ đầu năm 2023 và lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao.
Đặc biệt là cơ quan này sẽ chú ý với yếu tố các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao, đặc biệt là động thái của Fed trong cuộc họp tới đây (ngày 21-22/3/2023) trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản tại Mỹ.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều bất trắc, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế của Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi.
"Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin.