Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam được WB đưa ra là 80% dân số đã được tiêm vắc xin đầy đủ, các biện pháp hạn chế đi lại dần được gỡ bỏ.
Bên cạnh đó là khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ.
Khu vực dịch vụ đến nay vẫn đang trong quá trình phục hồi nhưng được dự báo sẽ được đẩy mạnh do người tiêu dùng trong nước tăng chi tiêu để thỏa mãn các nhu cầu bị dồn nén và số lượt khách du lịch quốc tế phục hồi.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng sẽ đối mặt với các thách thức như tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao, đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa và các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Cụ thể, căng thẳng Nga - Ukraine gây ra nhiều ảnh hưởng tới cung cầu hàng hóa trên thế giới, Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Sự quay lại của Covid - 19 với các biến chủng mới sẽ cản trở sự phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Thêm vào đó, mặc dù quá trình phục hồi của Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng nhưng chưa đầy đủ và đồng đều. Tổng sản lượng hàng hóa vẫn thấp hơn xu hướng thời kỳ trước khi có COVID-19 đến 3,8%, đặc biệt các ngành dịch vụ mới chỉ đang phục hồi.
Sản xuất công nghiệp dự kiến sẽ chững lại do sức cầu bên ngoài yếu đi. Lạm phát được dự báo sẽ tăng đến 4% vào năm 2023, trước khi chững lại còn 3,3% trong năm 2024
Để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.
Trước đó, trong các báo cáo vào tháng 4/2022 và tháng 6/2022, WB liên tục nâng dự báo GDP của Việt Nam tương ứng là 5,5% và 5,8%.