Gần đây, ngành ngân hàng đang nóng chuyện thừa tiền. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đánh giá, hệ thống ngân hàng đang trong trạng thái dư thừa thanh khoản tạm thời.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì nhận định, trạng thái dư thừa thanh khoản nhiều khả năng sẽ còn duy trì và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ở mức khá thấp, quanh mức 1% ở cả ba loại kỳ hạn trong vài tuần tới.
Tiền thừa trong toàn hệ thống ngân hàng thì đã rõ. Nhưng các ngân hàng có thực sự muốn thừa tiền hay không? Một trong những dấu hiệu quan trọng nhất để xem xem ngân hàng có đang “thừa” tiền hay không, đó là xem xét xem tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng có chậm hơn tốc độ tăng trưởng tiền gửi hay không.
Phần chênh càng lớn, ngân hàng được xem là càng “thừa” tiền. Nếu chiếu theo dấu hiệu trên thì BIDV là ngân hàng thuộc diện thừa tiền nhất trong hệ thống các ngân hàng. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý II/2016 thì trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của BIDV chỉ tăng 9,9%, trong khi tiền gửi khách hàng tăng tới 22,6%, chênh nhau 12,7 điểm%.
Vậy BIDV có thực sự muốn “thừa tiền” như vậy không? Có lẽ là không. Thời điểm BIDV hãm tín dụng, đẩy mạnh huy động tạo ra cảnh “thừa tiền” cũng là thời điểm mà nợ xấu của ngân hàng này tăng vọt thêm 3.000 tỷ đồng, lên mức 13.183 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu cũng vì thế mà tăng từ mức 1,68% thời điểm kết thúc năm 2015 lên mức 2% thời điểm kết thúc nửa đầu năm 2016. BIDV cũng đang là “quán quân” bán nợ xấu cho VAMC với tổng mức nợ xấu tính đến hết năm 2015 là 22.000 tỷ đồng.
Việc nợ xấu gia tăng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các ngân hàng phải huy động tiền nhiều hơn là cho vay, nhằm dôi ra một khoản để dự phòng và bù đắp cho các thiệt hại mà nợ xấu đã, đang và sẽ gây ra.
Tình trạng “nợ xấu cũ chưa xong, nợ xấu mới đã đến” đang khiến rất nhiều ngân hàng loay hoay không biết cách nào để xử lý và ứng phó. Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đề xuất phương án xử lý nợ xấu bằng ngân sách, hiện đang gây tranh cãi rất lớn trong dư luận. Điều này phần nào cho thấy tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay đã khá nghiêm trọng.
Lúc này thì “tiền thừa” đã không còn thừa nữa vì ngân hàng đang cần đến nó. Cũng vì thế mà các ngân hàng không thể giảm lãi suất cho vay vì lý do “thừa tiền”. Vậy “tiền thừa” đi đâu?
Một phần đổ vào trái phiếu, tín phiếu… khiến lãi suất tín phiếu kho bạc, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm liên tiếp. Một phần đổ vào thị trường liên ngân hàng khiến lãi suất liên ngân hàng giảm xuống kỷ lục. Phần ít ỏi còn lại được gửi vào NHNN.
Đây đều là kênh đầu tư có tính lỏng cao, dễ dàng rút tiền về khi cần thiết nhưng lãi suất thấp, do đó mà các ngân hàng sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc trả lãi tiền gửi của người gửi tiền. Đây là điều không ngân hàng nào mong muốn, nhưng họ buộc phải làm trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác đến từ việc nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng chậm, nội lực kinh doanh kém. Lúc này thì các ngân hàng muốn cho vay cũng không được và đây cũng là cơn đau đầu của các ngân hàng dù “thừa tiền” trong tay.
Theo Kình Dương/VNF