Ngành bán lẻ, tiêu dùng trước nỗi lo “càn quét” M&A

Hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) của khối ngoại trong ngành bán lẻ, tiêu dùng được dự báo sẽ còn “càn quét” với quy mô và giá trị giao dịch ngày càng lớn.
Ngành bán lẻ, tiêu dùng trước nỗi lo “càn quét” M&A

 Nếu không có giải pháp thích hợp, khả năng nước ngoài chiếm lĩnh hệ thống phân phối và thị trường nội địa là khó tránh khỏi

Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG Việt Nam cho biết mảng tiêu dùng vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn trong hoạt động M&A từ đầu năm 2016 đến nay. Theo thống kê, tổng số lượng giao dịch M&A ở Việt Nam phân bổ theo ngành nửa đầu năm 2016 và 10 năm qua, nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu (như thực phẩm đóng gói và các sản phẩm thịt) chiếm đến 11%, còn hàng tiêu dùng không thiết yếu chiếm đến 13%.

Thái, Nhật đang thống lĩnh

Trong hoạt động M&A mảng tiêu dùng và bán lẻ tại Việt Nan, như nhận định của KPMG, Thái Lan đang thống lĩnh hoạt động này trong nửa đầu năm 2016. Có thể kể vài tên tuổi lớn của Thái Lan tham gia M&A như: Central Group (mua 100% hệ thống Big C Việt Nam với số vốn 1.145 triệu USD), Shingha Asia Holding (mua cổ phần lần lượt 25% và 33% tại Masan Consumer và Masan Brewery với 1.100 triệu USD), TCC Holding (mua 100% hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam với 695 triệu USD).

Hồi năm ngoái, chỉ nổi lên một tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan tham gia vào hoạt động M&A là Power Buy mua 49% cổ phần tại công ty CP thương mại Nguyễn Kim với 200 triệu USD.

Trao đổi với giới doanh nghiệp chế biến thuỷ sản mới đây tại Tp.HCM, ông Nguyễn Ngọc Hoà, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op và hiện là Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, nhận định hoạt động M&A trên lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng sẽ diễn ra rất sôi động, quy mô và giá trị giao dịch ngày càng lớn.

Trong đó, ưu thế thuộc về các nhà bán lẻ có tiềm lực tài chính mạnh và năng lực quản trị tốt. “Đây là con đường ngắn nhất để các nhà bán lẻ cạnh tranh mở rộng mạng lưới, chiếm lĩnh thị phần và nâng cao sức mạnh thương hiệu”.

Ông Hoà lưu ý như vậy và cho rằng việc thâm nhập thị trường bán lẻ, tiêu dùng Việt Nam của các tập đoàn phân phối nước ngoài đã bắt đầu hơn 10 năm nay dưới các mô hình khác nhau. Thực ra, không chỉ có Thái Lan nhảy vào mảng bán lẻ và tiêu dùng, dòng vốn Nhật đang rót vào lĩnh vực này ở Việt Nam cũng rất lớn. Trong động thái mới đây nhất, chuỗi cửa hàng tiện ích 7-Eleven của Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới cho biết sẽ có mặt tại Việt Nam vào tháng 2/2018. Cụ thể, 7-Eleven đã công bố nhượng quyền thương hiệu cho công ty IFB Holdings (hiện sở hữu thương hiệu Pizza Hut tại Việt Nam). 7-Eleven tuyên bố sẽ mở 100 cửa hàng tại Việt Nam trong ba năm và 1.000 cửa hàng trong 10 năm.

Nỗi lo “bán mình”

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), cho biết các DN Nhật, nhất là DN nhỏ và vừa, vẫn đang đẩy mạnh rót vốn vào lĩnh vực nông sản, thực phẩm, bán lẻ ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo ông Takimoto Koji, điều này sẽ giúp hàng hoá thực phẩm Nhật thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua kênh phân phối của các DN bán lẻ Nhật Bản tại các đại siêu thị (chẳng hạn như Aeon Mall) hoặc cửa hàng tiện lợi.

Giới chuyên gia nhận định, các DN Nhật đã và sẽ đẩy mạnh đưa hàng hóa như nông sản, nguyên liệu, thực phẩm Nhật… vào Việt Nam. Hàng Nhật sẽ được đưa vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật ở Việt Nam, đơn cử như Mini Stop và FamilyMart (hiện có khoảng 130 cửa hàng, nhưng có thể sẽ tăng lên 500, thậm chí 1.000 cửa hàng trong tương lai). Trong kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam, theo ước tính, hồi năm ngoái, khối ngoại đã chiếm đến hơn 58%, khối nội chỉ còn chiếm hơn 41%.

Tổng doanh số ngành bán lẻ hiện đại của khối ngoại đã đạt đến 45.500 tỷ đồng, trong khi khối nội có doanh số khoảng 32.000 tỷ đồng (trong đó, Saigon Co.op đã chiếm hơn 25.800 tỷ đồng). Nhưng đến năm 2020, theo những dự báo được công bố, ngành bán lẻ hiện đại của khối ngoại sẽ tăng đến 187.000 tỷ đồng doanh thu, còn khối nội thì vào khoảng 71.400 tỷ đồng. Tỷ lệ lúc đó sẽ là 27,6% thị phần cho ngành bán lẻ hiện đại nội địa và 72,4% thị phần cho khối ngoại.

Theo nhận định của giới chuyên gia, sau M&A, các tập đoàn bán lẻ ngoại sẽ tăng tốc mở rộng nhanh mạng lưới và đa dạng hoá loại hình bán lẻ. Các tập đoàn này sẽ tăng cường M&A để gia tăng thị phần và chiếm lĩnh thị trường, tạo áp lực cạnh tranh lớn đối với các nhà bán lẻ Việt Nam ngay “sân nhà”.

Giới chuyên gia cho rằng hoạt động M&A của khối ngoại trên lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng sẽ làm cho các nhà bán lẻ Việt Nam phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức do năng lực tài chính giới hạn, thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ “bán mình” cho khối ngoại.

Đó là chưa kể, như nhận định của ông Nguyễn Ngọc Hoà, khối bán lẻ nội có nhiều hạn chế về sức mua và các mối quan hệ có tính toàn cầu. Hơn thế, các nhà bán lẻ Việt Nam thường không đủ điều kiện và khả năng thực thi những chiến lược mang tính dài hạn, đặc biệt tính liên kết không cao, tầm nhìn hạn chế.

Vị lãnh đạo của Sở Công Thương Tp.HCM, tỏ ra lo ngại: Các tập đoàn phân phối nước ngoài lần lượt thâu tóm các nhà bán lẻ Việt Nam. Chỉ còn vài nhà bán lẻ lớn của Việt Nam, chẳng hạn như Saigon Co.op và Vingroup. Thế nhưng bản thân Vingroup có tiếp tục duy trì hoạt động bán lẻ như là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi hay có thể chuyển nhượng trong tương lai vẫn là câu hỏi lớn.

Theo Thời báo Kinh Doanh

Có thể bạn quan tâm

Giá xăng giảm lần thứ 3 liên tiếp

Giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 3 liên tiếp

Trong bối cảnh giá xăng thế giới đang trên đà chinh phục đỉnh mới, giá bán lẻ xăng trong nước lại có xu hướng ngược lại khi tiếp tục được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành tuần này…

Giá vàng thế giới nóng lên trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Giá vàng thế giới nóng lên trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch quốc tế khi nhà đầu tư tận dụng cơ hội mua vào trước thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ và hàng loạt dữ liệu kinh tế sắp công bố. Trong nước, giá vàng vẫn duy trì ở mức cao, chênh lệch khoảng 2,4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới…