Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), mục tiêu kỳ vọng xuất khẩu 18 tỷ USD của ngành gỗ Việt Nam là có thể khả thi, bất chấp tốc độ tăng trưởng của ngành trong năm 2022 chỉ đạt 7,1%, tương ứng kim ngạch toàn ngành đạt 16,928 tỷ USD.
Cụ thể, trong nửa cuối năm 2022, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ tỉnh đối mặt với khó khăn do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu đầu vào và giá tăng cao. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ gần như đóng băng. Tăng trưởng của ngành chủ yếu nhờ vào các thị trường như Đông Bắc Á, Châu Đại Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản…
"Ngành gỗ hầu như chỉ tận dụng được thời cơ trong quý 1/2022, nhờ những đơn hàng cũ từ năm 2021. Đến nay, các doanh nghiệp gỗ tồn kho rất nhiều", Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập cho biết.
Ông Lập nhận định nếu không có nhiều thay đổi, dự kiến đến quý 2/2023, các đơn hàng cơ bản được khôi phục, đạt khoảng 82-85%. Đây được xem là điểm khởi sắc trong năm mới để nuôi kỳ vọng xuất khẩu đạt 18 tỷ USD trở lên.
Trong thời gian đó, các doanh nghiệp ngành gỗ cho biết sẽ tìm cách tổ chức hoặt tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm các thị trường tiềm năng mới.
Doanh nghiệp ngành gỗ cần tìm cách giảm chi phí sản xuất, hạn chế sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu, chủ động tìm kiếm nguồn gỗ trong nước và tích cực nâng cao chất lượng rừng trồng trong nước.
Theo thống kê từ Tổng cục Thống kê, năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 300.100 ha, tăng 3,4% so với năm trước (quý IV/2022 ước đạt 107.400 ha, tăng 0,9%). Sản lượng gỗ khai thác đạt 19,7 triệu m3, tăng 7,2%.