Chủ đề chính của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế (WEF) năm 2017 là “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi”.
Chủ đề của WEF năm nay có ý đóng góp vào nỗ lực chung của APEC, đồng thời, cũng tiếp tục triển khai các khuyến nghị của các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC năm 2016 về hội nhập hiệu quả kinh tế, tài chính và xã hội, nâng cao quyền năng của phụ nữ cũng như tiếp cận bình đẳng của họ nền giáo dục có chất lượng và các nguồn lực kinh tế. Đặc biệt, đóng góp vào thực hiện các ưu tiên của APEC 2017 vì thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Những nỗ lực này cũng góp phần thúc đẩy trách nhiệm của APEC đối với vấn đề toàn cầu.
Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế trong APEC năm 2017 gồm ba sự kiện chính thức và tám sự kiện bên lề.
Ba sự kiện chính gồm có: Hội nghị Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế APEC (PPWE) lần thứ hai diễn ra vào ngày 26-27/9. Khoảng 160 đại biểu, họp kín cấp làm việc, cập nhật, thảo luận và thống nhất nội dung công tác hàng năm của Diễn đàn, hoàn thiện Văn kiện chính thức, Dự thảo Tuyên bố Bộ trưởng năm 2017 để trình lên các Bộ trưởng tại Đối thoại cao cấp.
Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế APEC (PPD WE) vào ngày 28/9 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức; với hơn 500 đại biểu, họp mở rộng với sự tham dự đại diện Chính phủ và đông đảo khu vực tư nhân.
Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế (HLPD-WE) diễn ra ngày 29/9. Đây là cuộc họp kín, thường niên để các Bộ trưởng 21 nền kinh tế thống nhất đưa ra Tuyên bố với những khuyến nghị chính sách thúc đẩy phụ nữ tham gia kinh tế trình lên Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo APEC 2017 vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng. 250 đại biểu tham dự gồm Bộ trưởng/Trưởng đoàn và đại biểu của 21 nền kinh tế APEC.
Ngoài các sự kiện chính thức trên, Diễn đàn sẽ có tám sự kiện bên lề. Đó là Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về phụ nữ trong kinh doanh bao trùm; Hội thảo Phụ nữ APEC vận dụng khoa học công nghệ và phát huy sức mạnh sáng tạo; Diễn đàn Phụ nữ và Giao thông vận tải APEC; Giải thưởng kinh doanh thành công trong APEC; Sự kiện Ẩm thực - Văn hóa - Sản phẩm của doanh nghiệp xã hội (ẩm thực và trưng bày sản phẩm, biểu diễn văn nghệ); Đối thoại công - tư về Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao tỷ lệ lãnh đạo nữ trong APEC; Hội thảo Nữ doanh nhân APEC và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Họp báo trao đổi thông tin với báo chí sau khi kết thúc Hội nghị Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế.
Sau diễn đàn, tuyên bố Bộ trưởng về Phụ nữ và Kinh tế sẽ được thông qua. Tuyên bố chung này sẽ đưa ra những khuyến nghị chính sách cho 21 nền kinh tế thành viên APEC về 3 nọi dung ưu tiên lớn của năm 2017 với những nội dung trọng tâm là: Thúc đẩy bình đẳng giới vì tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.
Bản Tuyên bố này sau đó sẽ được trình lên các Nhà lãnh đạo APEC tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng.
Với sự tham gia của khoảng hơn 500 đại biểu ở các sự kiện chính và bên lề là đại biểu đại diện khu vực công và tư, các CEO, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ 21 nền kinh tế APEC, Diễn đàn sẽ góp phần làm cho mối quan hệ đối tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân ngày càng khăng khít hơn. Khu vực tư nhân ngày càng có cơ hội được bày tỏ, chia sẻ về những khó khăn, thách thức, đề xuất nhu cầu, nguyện vọng lên Chính phủ. Đồng thời đây cũng là dịp để Chính phủ của các nền kinh tế APEC được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chung của khu vực tư nhân, cùng với khu vực tư nhân bàn cách tháo gỡ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.