Nằm cách trung tâm Thủ đô chừng 20km về phía Nam, chúng tôi (PV) không khó để tìm được nhà ông Trần Văn Bản (sinh năm 1966), tại một con ngõ nhỏ của làng nghề Thượng Cung thuộc xã Tiền Phong, huyện Thường Tín (TP Hà Nội). Người trong làng vẫn quen gọi ông là "nghệ nhân làm khuôn bánh" bởi ông Bản là người duy nhất trong làng còn gắn bó với nghề này.
Tiếp chúng tôi ngay tại nơi làm việc vì quá bận rộn chuẩn bị hàng để kịp trả cho khách khi mùa Trung thu tới gần, ông Bản vẻ mặt tự hào pha lẫn chút tiếc nuối nói: “ngôi làng này xưa kia nổi tiếng với nghề đục khuôn bánh Trung thu từ gỗ, nhưng từ khi khuôn nhựa với giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng chiếm lĩnh thị trường, người trong làng đều đã bỏ sang làm nghề khác nhưng tôi vẫn quyết tâm giữ nét văn hóa truyền thống cho con cháu sau này”.
Ông Bản nhớ lại những năm 90 của thế kỉ trước, nghề đục khuôn bánh Trung thu phát triển rực rỡ, gỗ Xà Cừ (loại gỗ được dùng làm khuôn bánh) được xếp dọc hai bên đường dẫn vào làng để chờ thợ xẻ.
Cả làng đục đẽo quanh năm mà vẫn không kịp phục vụ thị trường mỗi dịp cao điểm. Mặc dù hiện tại khuôn bánh làm từ gỗ đã không còn được thị trường ưa chuộng như trước nhưng ông Bản vẫn tin tưởng với sự đảm bảo an toàn thực phẩm và độ bền cao của khuôn làm từ gỗ thì sản phẩm thủ công này vẫn có chỗ đứng riêng của nó. Niềm tin ấy đã giúp ông không nản chí và liên tục sáng tạo, cải tiến sản phẩm.
“Gỗ làm khuôn bánh cần phải xử lý sạch, phơi thật khô để tránh bị co ngót, nứt nẻ trong quá trình sử dụng, tiếp đến mới dùng máy tạo ra những hình vuông, hình chữ nhật… rồi lại để gỗ tiếp tục dầu dãi mưa nắng rồi mới kẻ, vẽ và lượn lưỡi cưa để tạo hình dáng cơ bản ban đầu", ông Bản kể.
Vừa nói chuyện ông Bản vẫn không ngừng tay đục, một việc như đã quá đỗi quen thuộc với ông. “Khi xã hội ngày càng phát triển, sự hỗ trợ của công nghệ máy móc giảm bớt sự vất vả của người thợ nhưng riêng công đoạn điêu khắc thì phải làm thủ công. Mỗi tác phẩm đều thể hiện dấu ấn văn hóa riêng biệt và cả cá tính riêng của từng nghệ nhân điêu khắc”, ông Bản bày tỏ.
Hơn 40 năm gắn bó với nghề mộc cũng là từng ấy năm ông Bản “sống – chết” với nghề đục khuôn bánh, đến nay dù đã gần 60 tuổi ông vẫn rất “say” nghề. Vào những ngày cao điểm ông dành 20 tiếng đồng hồ cho công việc, có những hôm ông làm đến 2h sáng rồi chợp mắt một chút đến 5h lại dậy làm.
“Cái nghề này nó ăn vào máu của tôi rồi, có những khi vừa đặt lưng mà nghĩ ra ý tưởng gì cho sản phẩm tôi lại bật dậy để phác họa lại ngay kẻo quên mất”. Ông bản cười nói
Với các mẫu khuôn thông thường, ông Bản mất khoảng 3 giờ để hoàn thành, trong khi với những mẫu được khách hàng đặt riêng, ông có thể mất hàng tuần đến cả tháng để làm. Ông ăn, ngủ và sống cùng những bản mộc khắc gỗ.
Nhìn bộ dùi đục lên tới vài chục cái lớn nhỏ, chúng tôi không khỏi thắc mắc ông Bản làm thế nào để đục được những khuôn bánh Trung thu đúng với trọng lượng bánh mà khách hàng đặt?
Ông Bản không ngần ngại chia sẻ: "Có bí quyết làm chứ, ví đục chiếc bánh hình con cá, hình hoa hồng nặng khoảng 500g thì đục sâu bao nhiêu cm, rộng bao nhiêu cm cho khớp. Như khuôn bánh dẻo với khuôn bánh nướng hoàn toàn khác nhau. Hoa văn làm sao đường nét vẫn còn nguyên, khi cho vào lò nướng chất bánh vàng thì phải vàng đều. Kỹ thuật rất khó do vậy đòi hỏi kinh nghiệm, bền bỉ mới làm được".
Mỗi dịp Trung thu, ông Bản làm khoảng 200-300 khuôn bánh. Giá khuôn dao động 150.000 – 500.000 đồng/chiếc, tùy kích cỡ. Những khuôn bánh lớn, cầu kỳ có giá lên đến hàng triệu đồng.
Khi quá bận ông Bản lại gọi thêm vợ cùng các con phụ giúp thêm các công đoạn như pha gỗ, tạo hình thô, đánh giấy giáp… để kịp trả đơn cho khách.
Hơn 40 năm học, làm nghề và giữ nghề làm khuôn bánh Trung thu với đủ 12 mẫu con giáp, những mẫu truyền thống như hoa sen, hoa cúc, cá chép... ông Bản còn cải biến, học thêm để cho ra những sản phẩm khuôn hình con rùa, hoa xếp tầng, thậm chí là mẫu khó như Chùa một cột…." Tất cả đều được ông Bản lưu giữ lại nguyên mẫu.
Khi được hỏi về sự mai một của nghề truyền thống này, ông Bản tâm sự: “Nghề này được ông bà truyền lại thì bản thân tôi cố gắng giữ gìn… Vì thế, nếu còn sống ngày nào, tôi còn yêu nghề, trân trọng nghề, truyền dạy cho con cháu ngày ấy”.