Nghị quyết 68: Cú hích cải cách cho kinh tế tư nhân vươn tầm

Tầm nhìn cốt lõi của Nghị quyết 68 là xây dựng một khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, chất lượng cao và có năng lực cạnh tranh toàn cầu...

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 - một chỉ thị quan trọng, được kỳ vọng tạo sự thay đổi lớn trong định hướng phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Được đánh giá là bước ngoặt lịch sử, Nghị quyết lần này đã nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân, xác định rõ đây là “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân”.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital đã có bài phân tích về vai trò quan trọng của nghị quyết này.

Theo Giám đốc VinaCapital, tầm nhìn cốt lõi của Nghị quyết 68 là xây dựng một khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, chất lượng cao và có năng lực cạnh tranh toàn cầu – không chỉ giữ vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế mà còn là lực lượng tiên phong trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu dài hạn là giúp Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình, từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết là mục tiêu phát triển 20 doanh nghiệp lớn vào năm 2030, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa. Mô hình này lấy cảm hứng từ Hàn Quốc, nơi các chaebol như Samsung hay Hyundai đã trở thành trụ cột phát triển quốc gia.

Việt Nam kỳ vọng rằng, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn hoạt động hiệu quả sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra việc làm chất lượng cao và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước các biến động.

Nghị quyết 68 cũng tạo động lực cho các quỹ đầu tư tăng cường đầu tư vào khu vực tư nhân, hỗ trợ các mục tiêu của Chính phủ, tiếp tục tìm kiếm và mở rộng các cơ hội đầu tư cổ phần tư nhân, cung cấp vốn để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô hoạt động và thúc đẩy tăng trưởng.

Điểm nổi bật khác của Nghị quyết là cải cách hệ thống thuế theo hướng công bằng và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, đến năm 2026, Chính phủ sẽ xóa bỏ cơ chế thuế khoán đối với hộ kinh doanh, khuyến khích họ chuyển sang mô hình doanh nghiệp chính thức với chính sách thuế linh hoạt và phù hợp hơn.

Song song đó, các địa phương sẽ phải dành quỹ đất riêng bao gồm một phần diện tích trong mỗi khu công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cũng như các startup đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân sẽ được hưởng mức giảm 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu tiên của hợp đồng thuê đất.

Nghị quyết 68 cũng giải quyết một vấn đề tồn tại lâu dài trong nền kinh tế Việt Nam: sự ưu ái đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Chính phủ đặt mục tiêu tái cơ cấu toàn diện các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực then chốt như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế số bao gồm cả việc thoái vốn nhà nước và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào các ngành này.

Thủ tướng đã nhấn mạnh tinh thần “không giới hạn” đối với phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm dần sự chi phối của khu vực nhà nước và mở rộng không gian cho tư nhân phát triển.

Theo quan điểm của Vina Capital, tầm quan trọng của Nghị quyết 68 là không thể đánh giá thấp. Đây là một văn kiện mang tính bước ngoặt, nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân,” đồng thời đưa ra một tầm nhìn cụ thể cho việc phát triển khu vực tư nhân theo hướng nhanh, bền vững và có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Một trong những mục tiêu then chốt là hình thành 20 tập đoàn tư nhân lớn vào năm 2030, theo mô hình chaebol của Hàn Quốc, đóng vai trò đầu tàu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng, Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Đánh giá về triển vọng phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh Nghị quyết 68 vừa được ban hành, bà Cao Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc khối khách hàng tổ chức, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng, đây là văn bản khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia.

“Có sự thay đổi rõ nét về quan điểm chỉ đạo đối với kinh tế tư nhân trong những phát biểu của lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ban ngành gần đây và cụ thể hóa bằng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Nghị quyết 68 nêu rõ việc mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia. Nhà nước chủ động có chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc có chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm”, bà Quỳnh nhấn mạnh.

Theo bà Quỳnh, các ngành như năng lượng, vật liệu xây dựng, hạ tầng và công nghệ sẽ hưởng lợi và có những đột phá khi được hưởng các chính sách ưu tiên phát triển cũng như được tham gia vào các dự án lớn của quốc gia như dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường sắt đô thị, các dự án năng lượng tái tạo và các dự án chuyển đổi số…

Ngoài ra, với việc Chính phủ đang thúc đẩy tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại hơn 2.200 dự án với tổng số vốn gần 6 triệu tỷ đồng sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng của các nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và xây dựng.

Cũng theo vị chuyên gia từ VNDirect, nếu được triển khai hiệu quả, Nghị quyết 68 có thể giúp xây dựng một hệ sinh thái khu vực tư nhân ba tầng, gồm các tập đoàn lớn dẫn dắt - các doanh nghiệp SMEs vệ tinh - và các startup đổi mới sáng tạo, định vị khu vực này trở thành trụ cột trung tâm của nền kinh tế Việt Nam đến năm 2045.

Nghị quyết 68 sẽ mở đường cho các cải cách thể chế được mong đợi từ lâu như bảo vệ quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, nhất là trong đấu thầu và tiếp cận đất đai, tín dụng, khơi thông các nguồn lực xã hội hoá, đặc biệt trong hạ tầng số, năng lượng và logistics - những lĩnh vực yêu cầu lớn về giải quyết thủ tục hành chính.

Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ bao gồm mở rộng quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp SMEs lên ít nhất 50 nghìn tỷ đồng, triển khai hạn mức tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, cung cấp ưu đãi thuế 200% cho hoạt động Nghiên cứu Phát triển (R&D) và đào tạo lao động, đồng thời phát triển vốn mạo hiểm trong nước thông qua mô hình Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư (co-investment).

Chính phủ cũng sẽ khởi động chương trình “Vietnam Global Champions” để hỗ trợ 50 doanh nghiệp tiềm năng trong hoạt động tư vấn mua bán sáp nhập (M&A), bảo hiểm rủi ro chính trị và ưu tiên tiếp cận đàm phán thương mại; nâng tỷ lệ nội địa hoá ít nhất 60% đối với ngành điện tử, ô tô, dệt may thông qua các gói ưu đãi thuế linh kiện.

Có thể bạn quan tâm