Nghị trường nóng vì tranh luận doanh nghiệp nhà nước nào phải đấu thầu

Tại phiên họp Quốc hội sáng nay, nhiều đại biểu quốc hội đã tranh luận về vấn đề nên hay không nên buộc công ty con của doanh nghiệp nhà nước phải đấu thầu…
doanh nghiệp nhà nước
Ông Phan Đức Hiếu, Đoàn tỉnh Thái Bình

Theo dự thảo trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng đấu thầu chọn nhà đầu tư, dự án với doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, công ty con thuộc doanh nghiệp nhà nước, có vốn Nhà nước 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng tổng vốn Nhà nước trong dự án trên 500 tỷ đồng sẽ không phải đấu thầu.

Phát biểu về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Đoàn tỉnh Thái Bình đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước. Theo Đại biểu Phan Đức Hiếu, nếu mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì đồng nghĩa với việc mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, đây là phạm vi rất rộng.

Đồng thời, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh đó còn có các cơ chế giám sát khác, do đó không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước.

Đồng ý kiến với ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quy định trong luật không thể là vòng kim cô để quản lý, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Khi doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật đấu thầu là không cần thiết.

Hơn nữa, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng và khi đấu thầu không chỉ có tiền mà có rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian, thậm chí quen biết cũng là một yếu tố có lợi.

Vì vậy, đại biểu  thống nhất như phương án 1 của dự thảo luật, chỉ quản lý doanh nghiệp nhà nước, còn doanh nghiệp nhà nước có 50% vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý bằng rất nhiều luật khác. Nếu xảy ra tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra, không chỉ quản lý bằng Luật Đấu thầu.

Còn đại biểu đoàn Long An, bà Lê Thị Song An lại thống nhất với phương án 2, mở rộng phạm vi điều chỉnh tới các công ty con của doanh nghiệp nhà nước.

“Phương án này vừa đảm bảo tính khả thi, tính pháp lý, vừa tránh việc lạm dụng các cơ chế khác để né tránh các quy định của Luật Đấu thầu, nhằm bảo toàn các nguồn vốn đầu tư của nhà nước”, đại biểu Lê Thị Song An nói.

Tuy nhiên, việc lựa chọn phương án này sẽ đưa rất nhiều đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật, nhưng kết quả sẽ giúp cho quá trình lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch hơn góp phần nâng cao hiệu quả hiệu lực hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu và quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước; phòng chống hiệu quả gian lận tiêu cực tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.

doanh nghiệp nhà nước
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng

Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận đây là luật khó vì phải giải quyết những vướng mắc và tạo điều kiện cho hoạt động đấu thầu, quản lý Nhà nước.

"Chúng ta quản lý chặt quá thì lại mất quyền tự chủ và gây khó khăn, ách tắc rồi lại phải sửa luật. Còn làm lỏng quá thì lại không đảm bảo được quản lý nhà nước", ông Dũng nhận định.

Đồng thời, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc chỉ áp dụng đấu thầu với doanh nghiệp nhà nước vẫn đảm bảo quản lý chặt sử dụng vốn Nhà nước. Bởi, dự thảo luật quy định, với tất cả hoạt động chọn nhà thầu có dùng vốn ngân sách, doanh nghiệp nhà nước hay không đều phải thực hiện đấu thầu. Mặt khác, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm bảo toàn, sử dụng hiệu quả đồng vốn Nhà nước. Nhà nước không can thiệp vào các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tại đơn vị khác nhưng phải đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng phương án Chính phủ trình phù hợp với các quan điểm của Trung ương, các luật liên quan. Phương án này cũng tạo thông thoáng, thuận lợi cho đấu thầu của các doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả quản lý của vốn Nhà nước.

Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết, thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 23/6.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm