Chính quyền New York đã triển khai hàng nghìn robot với mục đích giải tỏa sự cô đơn của người lớn tuổi. Trước đó, robot từ lâu đã được sử dụng như một cách để bổ sung cho tình trạng thiếu hụt nhân lực trong thị trường chăm sóc và giúp người già cảm thấy bớt cô đơn hơn nhất là tại những quốc gia như Mỹ và Nhật Bản.
Trong ngành chăm sóc sức khỏe, robot hầu như đã hỗ trợ con người mọi thứ, từ hỗ trợ phẫu thuật đến vật lý trị liệu. Ngay từ đầu những năm 1990, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Quốc gia Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu về robot thú cưng.
Hơn 30 năm được phát triển, một chú hải cẩu con trở thành ví dụ nổi tiếng nhất về robot trị liệu dành cho người lớn tuổi. Thời điểm năm 2011, chú robot này đã đạt đến đỉnh cao của sự nổi tiếng trong văn hóa đại chúng thông qua một đoạn trong bộ phim “The Simpsons”.
Nhật Bản đã chiếm lĩnh thị trường robot công nghệ cao trong nhiều thập kỷ, lý do gồm cả sự “háo hức” đón nhận công nghệ mới và dân số già hóa của nước này. Hiện, 29% dân số Nhật đang có độ tuổi từ 65 tuổi trở lên.
Tất nhiên, tuổi thọ tăng là một điều tích cực nhưng không thể không kể đến những vấn đề xoay quanh cuộc sống của người cao tuổi. Ngay cả dân số của Mỹ cũng đang già đi. Hiện, có khoảng 62 triệu người Mỹ đang ở độ tuổi 65 tuổi trở lên, chiếm 18% tổng dân số. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 84 triệu người vào năm 2054.
Tổng giám đốc Y khoa Mỹ cho biết, sự cô đơn có liên quan đến việc giảm tuổi thọ tương tự như việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày và thậm chí còn tác động tới sức khỏe con người hơn cả ảnh hưởng của tình trạng béo phì.
Cùng với những lo lắng về thể chất, sự cô đơn có thể đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức ở những người lớn tuổi. Có thể nói, sự cô đơn ở người già như một đại dịch.
Trong khi có xu hướng già hóa như Nhật Bản, Mỹ vẫn chưa cởi mở chấp nhận các công nghệ như robot cho người già. Văn phòng Lão hóa (NYSOFA) của tiểu bang New York đã nỗ lực thay đổi được điều đó.
Tính tới hiện tại, Văn phòng Lão hóa đã trao hơn 31.500 thú cưng robot cho người dân New York lớn tuổi. Giám đốc của văn phòng này cho hay, hoạt động này được lấy cảm hứng từ cô con gái 8 tuổi của ông, cô bé đã mua một con thú cưng robot từ Amazon.
Hàng nghìn hộp robot thú cưng với ba lựa chọn khác nhau là một chú chó robot, một chú mèo và những con chim đỏ và xanh mang thương hiệu Joy for All. Những chú chim robot là thành viên mới nhất của dòng sản phẩm, được đặt tên chính thức là Walker Squawker và được gắn các thiết bị hỗ trợ cho việc di chuyển.
Giống như chó và mèo, những chú Squawker nhỏ này phản ứng với ánh sáng và sự tiếp xúc của con người. Chúng cũng sẽ bắt đầu hót khi phát hiện con người đang đứng yên, nhằm mục đích khiến chủ nhân chơi cùng chúng.
Tuy nhiên, chú chó robot có thể tha mồi vẫn là thú cưng được người già lựa chọn nhiều nhất, chiếm khoảng 60% tổng số yêu cầu.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc nuôi thú cưng là một phương pháp hiệu quả để chống lại sự cô đơn ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc nuôi thú cưng không phải lúc nào cũng là lựa chọn khả thi với người lớn tuổi. Đó chính là lúc robot thú cưng xuất hiện.
Mặc dù thú cưng robot đã cho thấy nhiều triển vọng trong việc chống lại sự cô đơn tuổi già, nhưng chúng không thực sự tối ưu. Tại tiểu bang New York, một người cao tuổi đã bày tỏ rằng chú mèo thú cưng luôn chơi đùa với một bên tay bị đau của bà.
Bên cạnh đó, một người già khác đã yêu cầu được chôn cất cùng với chú chó robot của mình và những người đưa tang đã rất bối rối khi có tiếng sủa phát ra trong buổi lễ.