Theo thống kê từ Tổng Cục hải quan, chỉ trong quý 2/2024, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 95 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính từ đầu năm, tháng 4 ghi nhận sản lượng xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt giá trị cao nhất, với gần 38 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 160 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ riêng tháng 6, Mỹ nhập khẩu hơn 26 triệu USD cá tra phile đông lạnh từ Việt Nam, tăng 20% so với tháng 6 năm ngoái. Nửa đầu năm nay, thị trường này tiêu thụ hơn 156 triệu USD sản phẩm này, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 98% tỷ trọng.
Một số sản phẩm cá tra Việt Nam được người tiêu dùng tại Mỹ ưa thích bao gồm: cá tra phile đông lạnh; cá tra cắt miếng/cắt khúc đông lạnh; cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên sang thị trường Mỹ.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra GTGT sang Mỹ cũng tăng trưởng ấn tượng, với giá trị gần 2 triệu USD, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 1% tỷ trọng. Trong đó, tháng 4/2024 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất so với cùng kỳ, gấp gần 70.000 lần; và tháng 6/2024 là tháng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất cá tra GTGT sang Mỹ kể từ đầu năm nay, tăng gấp 7 lần so với tháng 6/2023.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, Mỹ là thị trường tiêu thụ cá tra lớn thứ 2 sau Trung Quốc & Hongkong. Tiếp nối đà tăng trưởng trong quý 1/2024, các đơn đặt hàng đã tăng đáng kể trong quý 2/2024, cùng với việc lượng tồn kho tại thị trường Mỹ trong năm 2023 đang giảm dần, giá trung bình xuất khẩu cá tra sang Mỹ cũng dần phục hồi.
Giá xuất khẩu trung bình cá tra nửa đầu năm nay sang Mỹ có xu hướng tăng dần qua từng tháng. Tháng 6, giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ ở mức 2,99 USD/kg – mức cao nhất kể từ đầu năm 2024.
Theo nhận định của chuyên gia của VASEP, người tiêu dùng tại Mỹ đang tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá thịt trắng, đặc biệt là cá tra từ Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm nay có nhiều tín hiệu khởi sắc sau khi liên tục sụt giảm trong năm 2023. Thêm vào đó, việc các nguồn cung cá thịt trắng cho Mỹ đang giảm trong bối cảnh khan hiếm các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá rô phi cũng là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Thông tin Mỹ đang xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường mang lại niềm hy vọng lạc quan cho nhiều ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có XK cá tra Việt Nam. Đây có thể sẽ là lợi thế cho cho các DN Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá tra trong thời gian tới.
Với nhu cầu xuất khẩu tăng cao, việc điều chỉnh sản lượng nguyên liệu đầu vào cũng được ngành thủy sản trong nước chú trọng. Sản lượng cá tra trong tháng 7 ước đạt 139 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước do giá cá tra nguyên liệu duy trì ổn định ở mức giá cao và xuất khẩu cá tra đang có dấu hiệu phục hồi nên hộ nuôi cá và doanh nghiệp điều chỉnh sản lượng nuôi.
Giá thành tăng cao cũng trở thành nguồn động lực cho người dân tích cực nuôi trồng. Với mức giá trung bình 27.700 đồng/kg người nuôi đã có lãi nên đã thu hoạch cá phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu dẫn đến sản lượng cá tra tăng khá trong 6 tháng đầu năm nay.
Thời gian nuôi cá tra trung bình từ 8 đến 10 tháng, do vậy những diện tích thả nuôi trong quý 2 và quý 3 năm ngoái cho thu hoạch trong 6 tháng đầu năm nay. Hơn nữa, diện tích nuôi cá tra hầu hết thuộc các vùng nuôi của doanh nghiệp với chu trình sản xuất khép kín nên tiết kiệm chi phí sản xuất và cho năng suất, sản lượng cao.
Tuy nhiên, để cạnh tranh xuất khẩu bền vững, tránh tình trạng “được mùa thì mất giá” đòi hỏi sản phẩm nông sản của Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời việc phát triển phải bảo đảm theo quy hoạch, định hướng, cập nhật kịp thời những yêu cầu kỹ thuật, cũng như nắm bắt đầy đủ thông tin, nhu cầu thị trường bán sản phẩm.