Nguy cơ “chìm xuồng” vụ “hô biến đất vàng” công sản vào tay tư nhân

Vụ chuyển nhượng “đất vàng” công sản của Vinafood II đã được các cơ quan quản lý nhà nước chỉ rõ sai phạm từ nhiều năm trước. Phó Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo thanh tra, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà vụ việc đến nay vẫn “bặt vô âm tín”.
Nguy cơ “chìm xuồng” vụ “hô biến đất vàng” công sản vào tay tư nhân

“Đất vàng” công sản về tay tư nhân trong vòng “một nốt nhạc”

Khu đất có diện tích 6.274,5m2 tại địa chỉ 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM được nhà nước giao cho Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) quản lý, sử dụng và bố trí làm nhà ở của cán bộ nhân viên Vinafood II từ năm 1975.

Đến năm 2008, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh, Vinafood II xin chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất để làm dự án khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê.

Để thực hiện dự án, vào đầu năm 2015, Vinafood II đã liên doanh cùng Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Xây dựng Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) do ông Đinh Trường Chinh làm đại diện pháp luật để thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) với vốn điều lệ 800 tỷ đồng.

Khu đất 33 Nguyễn Du và 34, 36 Chu Mạnh Trinh về tay tư nhân trong vòng "một nốt nhạc"
Khu đất 33 Nguyễn Du và 34, 36 Chu Mạnh Trinh về tay tư nhân trong vòng "một nốt nhạc" 

Trong đó, Công ty Việt Hân góp 80% vốn bằng tiền mặt; Vinafood II góp 20% bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần quyền sử dụng đất của khu đất 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh.

Tuy nhiên, đầu năm 2016, Vinafood II chuyển 20% phần vốn góp của mình cho Công ty Việt Hân để doanh nghiệp này nắm 100% phần vốn góp trong Công ty Việt Hân Sài Gòn. Đến ngày 02/02/2016, Công ty Việt Hân chuyển nhượng 99% phần vốn góp trong Công ty Việt Hân Sài Gòn cho một cá nhân. Chỉ sau đó 1 ngày, cá nhân này chuyển tất cả 99% phần vốn góp cho Công ty CP Bất động sản Mùa Đông (VID).

Đến tháng 1/2017, Công ty Việt Hân và VID chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty BOB và Công ty Saigon Dimensions.

Vướng đền bù, dự án “bất động” hơn 10 năm

Đến nay, hơn 10 năm trôi qua nhưng dự án này vẫn "án binh bất động" vì chưa hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân do chủ đầu tư đưa ra giá đền bù cho các hộ dân nằm trong khu đất chưa tới 50% giá thị trường nên người dân không đồng ý.

Trong quá trình triển khai dự án, ban đầu, Vinafood II có đề cập việc đền bù, giải tỏa và chi phí để đền bù giải tỏa 34 hộ dân đang sinh sống trên khu đất do phía Công ty Việt Hân Sài Gòn thực hiện và chi trả; Vinafood II chỉ tham gia hỗ trợ và chịu trách nhiệm về thủ tục, hồ sơ theo yêu cầu của quy định pháp luật hiện hành.

Thế nhưng, tháng 10/2015, Vinafood II lại ban hành nghị quyết với sự thay đổi đáng kể là chuyển trách nhiệm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân từ Công ty Việt Hân Sài Gòn (trong đó Việt Hân chịu 80%, Vinafood II chịu 20%) sang Vinafood II chịu trách nhiệm 100%.

Vướng đền bù, dự án "bất động" hơn 10 năm
Vướng đền bù, dự án "bất động" hơn 10 năm

Theo thỏa thuận giữa Vinafood II và Công ty Việt Hân, số tiền chi cho đền bù, giải phóng mặt bằng (dự kiến của hai bên) là 68 tỷ đồng, lấy từ tài khoản Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính). Đáng lý ra, Vinafood II chỉ chịu 20% thì đằng này "gánh" 100% chi phí đền bù giải tỏa. Như vậy, ngân sách nhà nước bị thất thoát (80%) tương đương hơn 54 tỷ đồng.

Dân kêu cứu, Thanh tra vào cuộc!

Việc dự án bị ngưng trệ vì đền bù không thoả đáng đã ảnh hưởng rất lớn đến các hộ dân trên khu đất 33 Nguyễn Du, 34, 36 Chu Mạnh Trinh. Những cư dân này đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Thành ủy, UBND TP.HCM và cả Vinafood II. 

Cụ thể, trong đơn kiến nghị tháng 9/2018, cư dân đã đề đạt 5 nguyện vọng: Một là, cần xác định chủ đầu tư thật sự của dự án để biết chính xác pháp nhân chịu trách nhiệm di dời và bồi thường; chính sách đã di dời, bồi thường của chủ đầu tư hiện tại phải bảo đảm kế thừa những quyết định đã được UBND TP. HCM và Bộ Tài chính phê chuẩn. 

Hai là, cần xác định giá trị đất theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại. Ba là, sử dụng đơn vị thẩm định giá độc lập để bảo đảm tính khách quan, minh bạch và công bằng trong việc xác định giá trị đất. Bốn là, xác định giá trị đền bù theo diện tích thực tế đã được Vinafood 2 đo đạc. Năm là, thời hạn thực hiện việc bồi thường. 

Thanh tra Bộ NN&PTNT đã vào cuộc, Chính phủ đã chỉ đạo. Tuy nhiên, đến nay vẫn "bặt vô âm tín"
Thanh tra Bộ NN&PTNT đã vào cuộc, Chính phủ đã chỉ đạo. Tuy nhiên, đến nay vẫn "bặt vô âm tín"

Trước những lùm xùm liên quan đến vụ chuyển nhượng “đất vàng” công sản và việc đền bù không thoả đáng, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã vào cuộc. Đến 6/2017, tại kết luận thanh tra về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tại Vinafood II, Bộ NN&PTNT cho rằng việc làm này của Vinafood II là sai phạm.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra các bước mà Vinafood II thực hiện trong các quá trình liên quan đến khu “đất vàng" là sai với nội dung các nghị quyết do chính Vinafood II đã ban hành, sai với tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, đồng thời trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, việc để xảy ra những khuyết điểm, sai phạm nêu trên, Bộ NN&PTNT xác định trách nhiệm thuộc về Hội đồng thành viên Vinafood II và Chủ tịch Hội đồng thành viên tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 05; trách nhiệm đề xuất của Tổng giám đốc Vinafood II, trưởng các phòng chức năng và các cá nhân liên quan của Vinafood II.

Bên cạnh đó, tại văn bản số 89 ngày 05/01/2019, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chỉ đạo, yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc phối hợp các bộ ngành, xác minh, làm rõ các vấn đề và báo cáo trước ngày 01/03/2019. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 8 tháng trôi qua, mọi thông tin về báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ vẫn “bặt vô âm tín” trong sự mỏi mòn chờ đợi của người dân. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm