Tình trạng xây dựng trái phép trên vùng quy hoạch có nguy cơ khiến Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng phá sản.
Xây trái phép tới… 5.000 nhà
Tình trạng xây dựng trái phép trên các phường của quận Liên Chiểu, nơi quy hoạch để di dời ga đường sắt Đà Nẵng đã diễn ra nhiều năm qua. Lãnh đạo quận Liên Chiểu cho biết, có khoảng 5.000 nhà dân xây dựng trái phép trong vùng quy hoạch dự án.
Tình trạng xây dựng trái phép trên vùng quy hoạch có nguy cơ khiến Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng phá sản.
Theo ông Nguyễn Nhường, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho tới nay, tình trạng xây dựng trái phép vẫn chưa chấm dứt hẳn, mới tạm thời được kiểm soát. Chính quyền địa phương đã tổ chức trạm gác trực tiếp ở dự án ga đường sắt, hàng tuần lãnh đạo quận đi kiểm tra. “Năm 2004, khi công bố quy hoạch dự án ga đường sắt thì nơi đây chỉ có 122 nhà; 10 năm sau tăng lên hơn 2.000 nhà, nhưng đó là mới tính phần đất trong nhà ga, nếu tính cả phần đất cho cơ sở hạ tầng ngoài ga, sau ga thì cũng khoảng hơn 2.000 nhà nữa. Ước chừng số nhà xây dựng trái phép ở đây lên tới 5.000 nhà. Bây giờ lấy đâu ra 5.000 lô đất mà bố trí tái định cư cho số nhà đó”, ông Nhường nói.
Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng là một trong những dự án “treo” lâu nhất của Thành phố, khi mà 15 năm qua, dự án này vẫn chưa được triển khai. Vì chậm triển khai, nên một số hộ dân cơi nới, xây dựng thêm diện tích nhà ở. Phần lớn các trường hợp xây dựng trái phép ở vùng quy hoạch đều để đón đầu dự án, chờ giải tỏa đền bù. Theo báo cáo của UBND quận Liên Chiểu, trong năm 2017, quận đã xử lý 87 trường hợp vi phạm trong xây dựng, thì ở phường Hòa Khánh Nam nằm trong trung tâm vùng quy hoạch dự án chiếm tới 69 trường hợp. Hai tháng đầu năm 2018, xử lý 35 trường hợp, riêng phường Hòa Khánh Nam có tới 27 trường hợp.
Đáng chú ý, tình trạng xây dựng trái phép ở vùng quy hoạch dự án ga đường sắt có sự tiếp tay của một số cán bộ địa phương. Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP. Đà Nẵng) đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với bị can Lê Sơn, cán bộ địa chính UBND phường Hòa Khánh Nam về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ông Sơn đã dùng thủ thuật để hợp thức hoá diện tích đất không hợp lệ cho một hộ dân. Tại phường Hoà Hiệp Nam, một cán bộ tư pháp đã giả chữ ký của Chủ tịch UBND phường để hợp thức hoá cho một hộ dân xây nhà trái phép.
Nguy cơ phá sản Dự án
Tình trạng xây dựng trái phép trên vùng quy hoạch có nguy cơ khiến Dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng phá sản.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, lúc đầu, quy hoạch ga ở một vị trí tại quận Liên Chiểu, sau đó thấy xây dựng trái phép nhiều quá đã phải dời đi vị trí khác. Nhưng rồi dời sang chỗ khác thì tình trạng xây dựng trái phép cũng mọc lên rất nhiều.
“Có khi việc di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm Thành phố phải phá sản. Bán hết cả nhà ga hiện nay chỗ phường Tân Chính (quận Thanh Khê) cũng không đền bù nổi cho 5.000 ngôi nhà trái phép đó”, ông Thơ nói.
Ông Thơ cũng cho biết, đã chỉ đạo Thanh tra Thành phố tiến hành thanh tra và sớm công bố kết luận thanh tra xây dựng trái phép tại quận Liên Chiểu. Ngoài ra, yêu cầu các quận, huyện phải làm quyết liệt, không dung dưỡng sai phạm. Thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng là của quận, huyện, thì các quận, huyện phải chủ động xử lý, không để Thành phố phải đưa văn bản xuống yêu cầu thì mới làm việc đó.
Liên quan đến dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng, Bộ Giao thông - Vận tải đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo các dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trình Chính phủ, Quốc hội vào năm 2019. Theo Bộ Giao thông - Vận tải, để tránh lãnh phí nguồn lực, Bộ đã giao Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu, cập nhật việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng vào tổng thể của dự án đường sắt Bắc - Nam.
Theo Báo đầu tư