Nguy hiểm tiềm ẩn trong sản phẩm hỗ trợ giảm cân

Thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân hiện là giải pháp thông dụng dành cho những người bận rộn có nhu cầu giảm cân. Tuy nhiên, nếu sử dụng những sản phẩm chứa chất cấm độc hại sẽ bị ảnh hưởng xấu tới sức khỏe…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
thuoc-giam-can-1351.jpg
Người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm giảm cân mua bán trên mạng cần phải đề phòng khả năng ngộ độc (Ảnh minh họa)

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát thông tin kết quả phân tích của Viện Pháp Y Quốc gia về việc sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân có chứa chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

NGUY HIỂM RÌNH RẬP DO THUỐC GIẢM CÂN

Theo Cục An toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội có báo cáo về việc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trường hợp người bệnh sử dụng sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân mua trên mạng xã hội.

Kết quả phân tích của Viện Pháp y Quốc gia cho thấy, sản phẩm này có chứa Sibutramine là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Bên cạnh đó, qua tra cứu dữ liệu, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chưa cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Detox Táo.

Do vậy, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân. Nếu phát hiện sản phẩm lưu thông trên thị trường, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người dân thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

detox-tao-3995.jpg
Sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân

Theo khảo sát trên sàn thương mại điện tử, sản phẩm này hiện có mặt trên sàn Lazada. Mức giá bán trong khoảng 79.000 – 129.000 đồng/hộp. Sản phẩm có giới thiệu công dụng chuyển hóa chất béo; hỗ trợ giảm béo, giảm táo bón, chướng hơi đầy bụng; cơ địa chững cân, nhờn cân; giữ dáng, đẹp da, thanh lọc cơ thể, giảm nám, mờ thâm, giảm mụn đẹp da.

Trước đó, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân ngộ độc tên P.T.H (nữ, 26 tuổi) có tiền sử giảm tiểu cầu vô căn 11 năm, đã điều trị tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương 2 năm.

Theo bệnh nhân, vì có nhu cầu giảm cân, chị đã mua sản phẩm có tên gọi Detox Táo về sử dụng. Trong 1 lọ sản phẩm có 2 loại viên giống thuốc màu vàng và xanh được bán trực tuyến, cam kết không có chất cấm. Đồng thời, người bán cũng gửi giấy chứng nhận về độ an toàn của thuốc.

Tuy nhiên, sau 10 ngày sử dụng, chị H. có hiện tượng bị đau dây chằng, mắt đột ngột không nhìn thấy gì theo cơn. Ngày 28/3, chị H. được chuyển vào Trung tâm Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Tại đây, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, hình ảnh tổn thương lồi thể chai, chị H. được theo dõi do ngộ độc.

Xét nghiệm loại Detox Táo bệnh nhân sử dụng, bệnh viện phát hiện sản phẩm có chứa chất cấm Sibutramine. Sau khi có kết quả, chị H. được chuyển sang Trung tâm Chống độc của bệnh viện để tiếp tục điều trị.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân H. mới sử dụng sản phẩm giảm cân khoảng 10 ngày đã có các biểu hiện về thần kinh, mắt, tổn thương não rất rõ ràng. Nếu dùng kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.

"Bệnh nhân H. mua sản phẩm này trên mạng được quảng cáo là để giảm cân và trong sản phẩm này có chất cấm Sibutramine. Sibutramine là một loại chất đã bị cấm sử dụng trên người vì chất này có thể gây những tổn thương ở người, gây nguy cơ đột quỵ não, đau thắt, nhồi máu cơ tim", bác sĩ Nguyên thông tin.

TIỀM ẨN RỦI RO SỨC KHỎE

Sibutramine là một loại thuốc làm giảm cảm giác thèm ăn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng Sibutramine có khả năng gây những tác dụng phụ nguy hại như đau đầu với tỷ lệ xảy ra khoảng 30,3%; đau lưng chiếm 8,2%; dị ứng 3,8%; cảm cúm 8,2%; suy nhược 5,9%; đau bụng 4,5%; đau ngực 1,8% và đau nhức cổ vai gáy với 1,6%.

Bên cạnh đó, chất này rất nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch hay huyết áp. Nó làm gia tăng trung bình huyết áp tâm thu và tâm trương khoảng 1-3 mmHg.

Đồng thời, Sibutramine cũng làm tăng nhịp tim khoảng 4-5 nhịp/phút, gây rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim. Nguy hiểm hơn là có thể gây ngừng tim, đột quỵ.

Cùng với các triệu chứng trên, Sibutramine cũng tác động lên hệ thần kinh với các triệu chứng mất ngủ, chóng mặt, lo lắng, trầm cảm, kích thích thần kinh trung ương, mất khả năng cảm xúc, mất trí nhớ ngắn hạn, rối loạn ngôn ngữ…

Do là một chất kích thích tác dụng tập trung có liên quan về mặt hóa học với Amphetamine nên Sibutramine được phân loại là chất được kiểm soát tại Mỹ. Vào tháng 10/2010, Sibutramine đã bị rút khỏi thị trường Canada và Mỹ do lo ngại thuốc làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim.

Tại Việt Nam, từ năm 2010, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine. Ngày 14/4/2011, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 5149/QLD-CL đình chỉ lưu hành trên toàn quốc các thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine và thu hồi toàn bộ các thuốc có chứa hoạt chất này do có tác dụng không mong muốn.

Cùng với đó, Cục cũng rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine. Sibutramine hiện thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Thông tư số 10/2021/TT-BYT).

Trên thực tế, rất nhiều các sản phẩm giảm cân được quảng cáo là an toàn, tự nhiên nhưng lại chứa chất cấm như Sibutramine. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) liên tục thông báo thu hồi các sản phẩm giảm cân do phát hiện chứa chất cấm này. Tại Việt Nam cũng đã thu hồi nhiều sản phẩm giảm cân do phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã từng đưa ra khuyến cáo, để mua được các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe bảo đảm an toàn, người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành .

Song song với đó, phải mua các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, mua tại các cửa hàng có uy tín, kiểm tra nhãn mác và hạn sử dụng của sản phẩm.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần cẩn trọng với thông tin một số tổ chức, cá nhân đã cố tình vi phạm những quy định về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không thực hiện việc công bố hợp quy sản phẩm…

Có thể bạn quan tâm