Doanh thu, lợi nhuận ngàn tỷ đồng, sở hữu cổ phần tại những liên doanh lắp ráp ô tô, xe máy lớn, nhưng phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) lại không trở thành “bom tấn” IPO của năm nay.
- Nhà đầu tư chưa mặn mà với cổ phiếu VEAM
- Thu ngàn tỷ mỗi năm từ Honda, Toyota và Ford, cổ phiếu VEAM vẫn "ế"
- So sánh VEAM - Vinamilk: Lợi nhuận nghìn tỷ, thành quả khác xa
- Trước giờ IPO của VEAM, các khoản dự phòng biến mất, dự báo nguồn thu tài chính giảm mạnh
Phiên IPO được đánh giá là lớn nhất năm 2016 của VEAM vừa qua bán được 149,5 triệu cổ phiếu trên tổng số 167 triệu cổ phiếu chào bán ra công chúng, đạt 90%. Với giá đấu thành công trung bình là 14.291 đồng/cổ phần, VEAM thu về 2.136,36 tỷ đồng từ phiên IPO này.Với lượng cổ phiếu chào bán “khủng”, việc VEAM chỉ “ế” 10% tổng số cổ phần đem đấu giá được các chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá là khá thành công so với các phiên IPO trước đó. Tuy nhiên, mức giá đấu thành công trung bình chỉ cao hơn… 1 đồng so với giá chào bán cho thấy, nhà đầu tư đánh giá giá trị của cổ phiếu VEAM khá thấp. Với tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi cổ phần (P/E) là 5,4 lần, chỉ số này là quá thấp so với thị trường chung.So sánh phiên IPO của VEAM với đợt IPO của Công ty TNHH Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), có thể thấy, thị giá của cổ phiếu VEAM khá “lép vế” so với Vissan. Với lượng lớn nhà đầu tư tham gia đấu giá, giá đấu thành công trung bình của mỗi cổ phiếu Vissan được đẩy lên cao gấp 5 lần giá chào bán.Chưa kể, từ trước khi VEAM tổ chức roadshow giới thiệu tiềm năng đầu tư, thị trường đã có thông tin về việc Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) - một doanh nghiệp có quan hệ mật thiết với BRG Group đã đề nghị được mua tối thiểu 36% cổ phần VEAM theo phương thức mua trước khi bán đấu giá công khai, với mức giá 10.050 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với mức giá IPO.Điều này đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng VEAM đã đánh giá hơi cao giá trị cổ phiếu của mình, hay các nhà đầu tư không nhận thấy được giá trị của cổ phiếu này?Phân tích sâu về kết quả kinh doanh của VEAM, có thể thấy phần lớn lợi nhuận của VEAM đến từ việc nhận phần chia lợi nhuận hàng năm từ các liên doanh. Cụ thể, VEAM đang sở hữu 30% vốn tại liên doanh với Honda Việt Nam, 20% vốn tại liên doanh Toyota Việt Nam và 25% vốn của Ford Việt Nam qua một công ty con mà VEAM đang sở hữu 100% vốn.Với việc thống lĩnh và nắm giữ 70% thị phần xe máy tại Việt Nam, Honda Việt Nam là đơn vị mang lại nhiều giá trị thặng dư nhất cho VEAM về giá trị khoản vốn đầu tư và tiền cổ tức hàng năm. Năm 2015, VEAM nhận được 3.390 tỷ đồng tiền cổ tức, thì 2.677 tỷ đồng từ Honda Việt Nam.Tuy nhiên, thời gian tới, mảng kinh doanh xe máy sẽ chịu áp lực giảm doanh số khi thị trường đã đi vào giai đoạn “trưởng thành”. Đối với ô tô, áp lực cạnh tranh đang lớn hơn khi các hiệp định thương mại tự do đã và đang ký kết sẽ dẫn đến giảm thuế nhập khẩu ô tô, tăng áp lực đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.Mặc dù các khoản góp vốn vào 3 liên doanh trên còn thời hạn khoảng 20 năm nữa, nhưng VEAM cũng không đặt ra kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cho những năm tiếp theo, bởi trước những sức ép cạnh tranh trên, số tiền cổ tức hằng năm cũng như chính sách chi trả cổ tức cao trước đây có thể sẽ phải thay đổi để tái đầu tư.Theo kế hoạch, sau IPO, VEAM đặt chỉ tiêu nhuận sau thuế từ năm 2016 đến 2019 theo chiều đi xuống. Cụ thể, từ kế hoạch lợi nhuận 3.500 tỷ đồng năm 2016, lợi nhuận của VEAM sẽ giảm xuống còn 2.400 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc tỷ lệ cổ tức sẽ giảm dần từ 18%/năm xuống còn 13%/năm. Các lĩnh vực kinh doanh chính của VEAM và các công ty con là máy nông nghiệp cũng chưa đạt hiệu quả khi phải chịu sự cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc giá rẻ.Việc Vinamco tha thiết đề nghị mua 36% cổ phần cũng như một tổ chức bỏ hơn 1.000 tỷ đồng để mua 6% vốn của VEAM chứng tỏ, đây vẫn là doanh nghiệp hấp dẫn. Tuy nhiên, để VEAM thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, sẽ phải chờ đợi sự thay đổi từ nội tại doanh nghiệp cùng sự giúp sức từ các cổ đông chiến lược trong thời gian tới.
Theo Báo đầu tư