Kết thúc năm 2024, nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành "ngôi sao sáng" khi mang về lợi nhuận lớn cho nhiều nhà đầu tư. Bước sang năm 2025, niềm tin vào đà tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này vẫn tiếp tục được duy trì nhờ những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô.
CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG “TRÚNG MÙA VÀNG”
VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024 tại mốc 1.266,78 điểm, tăng 136,85 điểm, tương ứng mức tăng 12,11% so với cuối năm 2023. Trong những tuần giao dịch cuối cùng của năm, chỉ số chính của thị trường chứng khoán gần như đi ngang, điểm sáng là dòng tiền dường như đang quay trở lại nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Bên cạnh việc giúp cho chỉ số VN-Index tăng trở lại vùng 1.270 điểm, diễn biến này còn đem lại kỳ vọng về khả năng giúp thị trường thoát khỏi cảnh sideway trong thời gian tới, khi cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt dòng tiền vào đầu năm 2025.
Nhìn lại năm 2024, nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính tăng khoảng 24%, gấp đôi so với chỉ số VN-Index. Nhiều mã cổ phiếu nổi bật với mức tăng mạnh, tiêu biểu là LPB, tăng hơn 127% so với cùng kỳ tính đến ngày 2-1-2025. Các cổ phiếu khác cũng ghi nhận đà tăng đáng kể, như HDB (58%), TCB (57%), CTG (40%) và MBB (37%).
Tuy nhiên, không phải tất cả cổ phiếu ngân hàng đều đi lên. Một số mã giảm giá như KLB (giảm hơn 2%, còn 11.400 đồng/cổ phiếu), ABB (giảm hơn 11%, còn 7.400 đồng/cổ phiếu), PGB (giảm 19%) và SSB (giảm hơn 20%). Dẫu vậy, bức tranh toàn ngành vẫn nghiêng về sắc xanh, khi có tới 18/26 cổ phiếu ngân hàng niêm yết tăng giá, ngoại trừ BAB gần như đi ngang trong năm qua.
Diễn biến thị giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh đi cùng với đà tăng cao của tín dụng. Giới phân tích tài chính dự báo, tín dụng năm nay sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 15-16%, đạt mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2025 ở mức 15%, tương đương mục tiêu năm 2024 và cao hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa (khoảng 10%). Lý do là, nền kinh tế dự báo tiếp tục phục hồi trong năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%; đầu tư công được đẩy mạnh và kỳ vọng tăng vượt bậc trong giai đoạn 2026-2030.
Bên cạnh đó, dự báo, kênh trái phiếu doanh nghiệp chưa sớm phục hồi, làm gia tăng vai trò của kênh tín dụng ngân hàng. Thị trường bất động sản năm 2025 sẽ phục hồi dần cùng với việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ, từ đó kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng, qua đó hỗ trợ cho lợi suất cho vay của các ngân hàng trong nửa cuối năm. NIM năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục phân tích của ACBS được kỳ vọng tăng 0,05 điểm phần trăm so với năm 2024.
CỔ PHIẾU “VUA” KỲ VỌNG BỨT PHÁ NHỜ LỢI NHUẬN TĂNG MẠNH
Trong báo cáo về triển ngành ngân hàng năm 2025, quỹ VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận ngành ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 17% trong năm 2025, nhờ vào tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 15% và NIM tăng nhẹ 0,06 điểm phần trăm so với năm ngoái lên 3,55 điểm phần trăm.
Các chuyên gia dự phóng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ duy trì ở mức khoảng 15% trong năm 2025, trong đó tăng trưởng cho vay phân khúc khách hàng cá nhân dự kiến sẽ tăng tốc từ khoảng 12% năm ngoái lên 15% năm nay.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh cho vay dài hạn, đặc biệt là các dự án hạ tầng, nhằm tối ưu hóa biên lãi thuần (NIM), vì cho vay dài hạn thường mang lại lãi suất cao hơn so với huy động ngắn hạn. Tuy nhiên, một số ngân hàng sẽ cần huy động vốn dài hạn để cân đối, làm tăng chi phí huy động.
Chuyên gia VinaCaptial nhận định cho vay kinh doanh bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục dẫn dắt nhất là khi thị trường tiếp tục phục hồi, mặc dù một phần tăng trưởng này cũng chính là để tái tài trợ cho các khoản trái phiếu đến hạn.
Trong khi đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng được các chuyên gia nhận định đang cải thiện. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đã ổn định ở mức khoảng 2% kể từ sau sự cố tại ngân hàng SCB vào cuối năm 2022, nhờ vào các biện pháp gia hạn nợ và thu hồi nợ xấu.
Tỷ lệ nợ nhóm 2 và tỷ lệ hình thành nợ xấu mới cũng đang giảm, cho thấy áp lực về chất lượng tài sản đang thuyên giảm. Thu nhập ngoài lãi ( chiếm khoảng 20% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng) đặc biệt là từ việc thu hồi nợ xấu và các hoạt động bancassurance, dự kiến sẽ tăng trưởng trên 10% trong năm 2025.
Tuy nhiên, chi phí tín dụng (tính theo tỷ lệ dự phòng/tổng dư nợ) chỉ giảm nhẹ từ 1,3% năm ngoái xuống còn 1,2% trong năm nay. Điều này do các ngân hàng đã trích lập nhiều dự phòng trong những năm trước, và hiện nay cần bắt đầu bù đắp lại tỷ lệ dự phòng nợ xấu (LLR), vốn đã giảm từ hơn 150% xuống còn khoảng 100%.
Ngoài ra, mặc dù các ngân hàng sẽ không phải tiếp tục cấp tín dụng với lãi suất thấp như năm ngoái, khi nhu cầu tín dụng phục hồi, NIM có thể được cải thiện nhẹ. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối năm 2024 đã vượt quá mức tăng trưởng tiền gửi, gây áp lực lên lãi suất tiền gửi.
Tình trạng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện nay được mô tả là “thắt chặt nhưng không đến mức căng thẳng”, với lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đã tăng từ mức đáy 3,5% vào tháng 3/2024 lên trên 4% vào cuối năm 2024. VinaCapital dự báo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng sẽ tăng 0,5-0,7 điểm phần trăm trong năm 2025, đạt gần 5%, điều này sẽ làm tăng chi phí huy động và ảnh hưởng đến NIM.
Nhìn chung, các chuyên gia tin rằng ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có sự cải thiện về tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản trong năm 2025. Tuy nhiên, NIM sẽ chỉ có thể tăng nhẹ do áp lực từ chi phí huy động cao hơn và nhu cầu tín dụng phục hồi.
"Chất lượng tài sản sẽ cải thiện nhờ vào việc giảm tỷ lệ nợ xấu và tăng thu nhập từ xử lý nợ, nhưng chi phí tín dụng có thể không giảm mạnh trong năm nay do cần bổ sung dự phòng nợ xấu", báo cáo cho hay.
Cuối cùng, về diễn biến cổ phiếu trên sàn chứng khoán, chuyên gia từ VinaCapital chỉ ra rằng, mặc dù cổ phiếu ngân hàng hiện đang giao dịch với mức định giá thấp (P/B 1,3 lần và ROE dự phóng 16%), nhưng sự phân hóa giữa các ngân hàng sẽ tạo ra cơ hội đầu tư rõ rệt.