Kết thúc phiên 10/12, chỉ số Dow Jones giảm 154,10 điểm (-0,35%) xuống 44.247,83 điểm, S&P 500 mất 17,94 điểm (-0,30%) còn 6.034,91 điểm và Nasdaq Composite trượt 49,45 điểm (-0,25%) thành 19.687,24 điểm.
Dịch vụ truyền thông là lĩnh vực có mức tăng mạnh nhất trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, được hỗ trợ bởi cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của Google, tăng 5,6% sau khi công ty công bố dòng chip tiên tiến mới.
Ngược lại, bất động sản lại giảm mạnh, trượt 1,6%. Đáng chú ý, ngành công nghệ là nguyên nhân lớn nhất kéo chỉ số S&P 500 đi xuống, giảm 1,3% do cổ phiếu Oracle mất 6,7% vì không đạt được kỳ vọng lợi nhuận quý 2.
Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ tiếp tục chịu áp lực từ việc chỉ số bán dẫn Philadelphia trượt dốc 2,5% sau khi Trung Quốc thông báo mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Nvidia, một động thái được xem như đáp trả các lệnh cấm xuất khẩu chip từ Mỹ sang Trung Quốc.
Ở các diễn biến riêng lẻ khác, cổ phiếu Walgreens Boots Alliance tăng 17,7%, dẫn đầu mức tăng trong S&P 500 nhờ tin tức về các cuộc thảo luận “bán mình” cho Sycamore Partners. Alaska Airlines leo 13% sau nâng dự báo lợi nhuận quý 4. Boeing cũng tăng 5,5% khi có thông tin công ty đang tái khởi động sản xuất dòng máy bay 737 MAX.
Trong khi đó, Moderna giảm 9,1% sau khi Bank of America đánh giá lại cổ phiếu này với xếp hạng “kém hiệu quả”. Công ty phần mềm MongoDB lao dốc 16,9% dù đã nâng dự báo doanh thu năm.
Về khía cạnh kinh tế, thị trường hiện đang hồi hộp chờ đón dữ liệu Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) tháng 11 – một trong những báo cáo quan trọng cuối cùng trước thềm cuộc họp tháng 12 của Fed. Lạm phát tổng thể dự kiến sẽ tăng nhẹ từ mức 2,6% trong tháng 10 lên 2,7% trong tháng 11. Báo cáo Chỉ số Giá Sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào thứ Năm.
“Nhà đầu tư đang có tâm lý chờ đợi và quan sát các dữ liệu CPI và PPI tuần này. Họ mong đợi một con số không gây quá nhiều xáo trộn đối với Fed vào tuần tới”, bà Mona Mahajan, trưởng chiến lược đầu tư tại Edward Jones nhận định.
Nếu CPI phù hợp với dự đoán, có nhiều kỳ vọng rằng Fed sẽ "bật đèn xanh" cho việc giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, bà Mahajan nói thêm.
Nhìn xa hơn về trung hạn, thị trường cũng đang tìm kiếm các tín hiệu cho thấy khả năng Fed tạm dừng chu kỳ nới lỏng chính sách vào tháng 1/2025, sau khi một loạt quan chức Fed đã ám chỉ rằng tốc độ nới lỏng chính sách có thể cần phải chậm lại khi nền kinh tế vẫn ổn định.
“Vấn đề trọng yếu không nằm ở việc Fed sẽ làm gì vào tuần tới, mà là họ nói gì về lộ trình lãi suất trong tương lai,” bà Lindsey Bell, chiến lược gia trưởng tại 248 Ventures lưu ý.
GIÁ DẦU TIẾP ĐÀ PHỤC HỒI
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng cao khi thị trường tìm kiếm các dấu hiệu phục hồi trong nhu cầu ở Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Hợp đồng tương lai dầu Brent chốt phiên ở mức 72,19 USD/thùng, tăng 5 cent, tương đương 0,07%. Giá dầu WTI của Mỹ đóng cửa ở mức 68,59 USD/thùng, tăng 22 cent, tương đương 0,32%.
Động lực tăng giá trong phiên qua chủ yếu đến từ báo cáo cho thấy Trung Quốc dự định áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm 2025 với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kích thích tiêu dùng nội địa. Thông tin này đã hỗ trợ tích cực cho thị trường dầu mỏ.
Bên cạnh đó, những suy đoán về nhu cầu tăng cao trong mùa đông tại Châu Âu cũng mang đến tâm lý lạc quan. “Các quỹ đầu cơ đang bắt đầu mua vào do lo ngại về tình trạng nguồn cung thắt chặt thị thị trường Châu Âu trong mùa đông năm nay”, ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group cho biết.