Tương đồng với nhận định tuần trước nghỉ Lễ, VN-Index tăng trên 1,5% và vượt qua ngưỡng tâm lý 1.500 điểm khi tâm lý được cởi trói và dòng tiền cá nhân trong nước tích cực trở lại.
Đà tăng có dấu hiệu suy yếu dần về cuối tuần với thanh khoản giảm sút và các cổ phiếu chủ chốt không giữ được đà tăng. Các chỉ báo kỹ thuật đang chuyển biến khá tích cực đưa chỉ số quay lại xu hướng tăng ngắn hạn dù vẫn nằm trong xu hướng đi ngang, tích lũy đỉnh trung hạn.
Thị trường nhìn chung hồi phục khá tốt với 17/19 ngành tăng điểm, độ rộng cũng nghiêng về bên mua với 321 mã tăng/79 mã giảm. Các nhóm cổ phiếu điều chỉnh mạnh trước đó như tài nguyên cơ bản, hóa chất, du lịch & giải trí có mức hồi phục ấn tượng lần lượt 11,5%, 9% và 8%.
Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán tuần 14 - 18/2:
1. Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index tiếp tục trải qua 1 phiên tăng giảm giằng co trong biên độ hẹp nhưng có xu hướng giảm nhẹ về cuối phiên. Vùng kháng cự 1.51x tiếp tục tạo lực cản trong ngắn hạn và gây ra rủi ro xuất hiện các nhịp rung lắc điều chỉnh.
Mặc dù vậy, với diễn biến phân hóa giữa các nhóm và dư địa hồi phục tại nhiều mã dẫn dắt, khả năng rơi vào nhịp giảm mạnh ngay ở vùng điểm hiện tại chưa được đánh giá cao và xu hướng tăng ngắn hạn vẫn đang có nhiều cơ hội được giữ vững.
Sau khi chốt lời một phần vị thế ngắn hạn tại vùng giá cao, nhà đầu tư có thể linh hoạt trải lệnh mua lại phần trading nếu giá cổ phiếu mục tiêu quay xuống vùng hỗ trợ gần.
2. Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh ở phiên giao dịch đầu tuần và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng khoảng trống tăng giá đã được hình thành trong phiên 7/2, tức là vùng 1.485 – 1.494 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường có thể sẽ chưa xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.485 – 1.494 điểm.
Diễn biến thị trường vẫn còn phụ thuộc vào sự kiện về cuộc họp bất thường của Fed diễn ra vào ngày 14/2, nhưng Yuanta Việt Nam vẫn nghiêng về kịch bản cao là Fed sẽ tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 3/2022. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng mạnh cho thấy cơ hội giải ngân ngắn hạn gia tăng.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức 45 - 50% danh mục tại các nhịp điều chỉnh.
3. Chứng khoán BIDV (BSC)
VN-Index đã vượt SMA20 với sự luân chuyển của dòng tiền tại các nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Tuy nhiên với diễn biến suy yếu dần vào cuối tuần và thanh khoản không tăng trưởng, VN-Index được dự báo sẽ tích lũy trở lại từ 1.485 – 1.500 điểm.
Vận động giá rõ rệt kiểm tra lại đỉnh kỷ lục tại 1.530 điểm sau tích lũy có thể diễn ra khi thông tin hỗ trợ và dòng tiền có tính đồng thuận lớn hơn.
4. Chứng khoán MB (MBS)
Thị trường giằng co ở mốc 1.500 điểm và tăng 1,54% trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán. Áp lực bán từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa làm ảnh hưởng đến xu hướng phục hồi của VN-Index hướng về đỉnh cũ 1.530 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE tuần này tương đương với tuần trước tết, trong khi thị trường chỉ đi ngang và dao động trong biên độ hẹp khiến dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Với diễn biến của thị trường đang đi ngang như hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế chiến lược lướt sóng, các phiên điều chỉnh vẫn là cơ hội để cơ cấu danh mục và tăng tỷ trọng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công,…
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên!