Nhật ký chống dịch Covid-19: Cây Trường Tồn ở Cao nguyên!

Mình hay nhớ thương về những vùng đất nơi đã đặt chân qua. Mấy hôm nay ngổn ngang lo âu, lại nhớ Tây Nguyên da diết, nơi có một loài cây rất lạ mang tên Trường Tồn.
Nhóm "Trao oxy - Trao sự sống" đã hoàn thành 40 bình để Bệnh viện Nam Sài Gòn đủ đêm nay bình yên
Nhóm "Trao oxy - Trao sự sống" đã hoàn thành 40 bình để Bệnh viện Nam Sài Gòn đủ đêm nay bình yên

Mình hay nhớ thương về những vùng đất nơi đã đặt chân qua. Mấy hôm nay ngổn ngang lo âu, lại nhớ Tây Nguyên da diết, nơi có một loài cây rất lạ mang tên Trường Tồn.

Thân cây thẳng tắp, vươn lên vững chãi, chỉ đứng riêng rẽ một mình trên đỉnh núi cao giữa cao nguyên lộng gió. Khi tất cả cây cối xung quanh đều xơ xác trụi lá thì cây sum suê hoa đỏ, những bông hoa rực rỡ đều vươn thẳng đón ánh mặt trời. Tán lá vào cuối chiều, hòa cùng mầu hoa, ngả sang mầu cam rực khiến người ta tưởng tượng ra mầu lông vũ của loài phượng hoàng trong truyền thuyết chôn mình giữa lửa đỏ để tái sinh từ tàn tro.

Cây Trường Tồn là nhân chứng của khát vọng mãnh liệt về sự sống, khi người ta còn niềm tin.

Sáng hôm qua, mình nhận được cuộc gọi bất ngờ từ Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình, anh hẹn 11h10 phút sẽ có cuộc trao đổi riêng với nhóm mình nhằm lắng nghe tính thực tiễn, mô hình vận chuyển của dự án thiện nguyện “Trao oxy-Trao sự sống” để từ đó phối hợp tốt hơn và có những giải pháp căn cơ hơn cho vấn đề cung cấp oxy cho bệnh viện, và các F0 đang điều trị tại nhà. Các tình nguyện viên vàng trong nhóm đều bận rộn với việc trao xe cứu thương, chuẩn bị “10 nghìn túi thuốc cho F0” và gây quỹ từ thiện để khởi công dự án hỏa táng ở Củ Chi nên mình tất tả chạy từ Bệnh viện dã chiến 16 từ quận 7 lên Lê Thánh Tôn.

Nắng tháng 8 vàng rực, phủ lên tòa nhà uy nghi của UBND thành phố, nơi mà 6 năm qua, với phận sự là một ký giả, mình đã gắn bó và tới thuộc từng hàng gạch cũ kỹ, cánh cổng sắt hoa văn cổ điển sơn xanh, hay những phòng khánh tiết uy nghi. Vắng lặng quá, chỉ thấy những cán bộ văn phòng vội vã, tất bật, lo âu... Trong một thời gian ngắn, mà tòa nhà này đã chứng kiến biết bao đổi thay về nhân sự, về sự phân công trách nhiệm, cho thấy một cuộc chiến đầy cam go, cho thấy những áp lực nặng nề trên đôi vai những người đứng mũi chịu sào.

Cuộc làm việc với Phó Chủ tịch kéo dài tới gần 1h chiều, mình yên tâm hơn với thông tin vào đầu tháng 9 tới, thành phố sẽ nhập về khoảng 18 nghìn vỏ bình oxy đủ kích cỡ, từ 8L đến 40L và tăng cường nguồn oxy tinh khiết từ việc chuyển đổi công năng của một số nhà máy, việc vận chuyển đã và sẽ được giao cho quân đội, Thành đoàn và lực lượng thanh niên xung phong.

Mình đề xuất với lãnh đạo thành phố cho anh em nhóm “Trao oxy-Trao sự sống” triển khai mô hình Oxy xe Bus, Oxy Taxi, để có thể cải thiện tình trạng mất vỏ bình, cũng như linh hoạt trong việc di chuyển phục vụ F0 tại xóm, xã, phường.

Chiều đi họp báo, mừng rơi nước mắt khi thông tin cho thấy có tới 5.568.991 người đã được tiêm trong đó tổng số mũi 1 là 5.346.793, mũi 2 là 222.198, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 561.934. HĐND thành phố đã thông qua chính sách đặc thù hỗ trợ động viên cho hàng loạt anh chị em lực lượng tuyến đầu.

Buổi tối, nghe thông báo lực lượng quân đội trưng dụng kho bãi tập kết oxy ở Suối Tiên để trữ lương thực mà mình lo quýnh quáng, nhưng hầu hết các xe tải và xe bán tải đã đi lưu thông trôi chảy để cung cấp lại những điểm bị đứt gãy. Những lời cảm ơn từ y bác sỹ các bệnh viện hối hả gửi về nhóm. Không niềm vui nào tả xiết!

Cảm ơn tình nguyện viên bền bỉ Hoàng Lâm nhé, xe nhỏ chở không xuể thì đã có phi cơ của anh...
Cảm ơn tình nguyện viên bền bỉ Hoàng Lâm nhé, xe nhỏ chở không xuể thì đã có phi cơ của anh...

Chợt nhớ đêm hôm qua, lúc mưa to gió lớn đang vội cùng anh em lo giao oxy cho bệnh viện bên quận 7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã ân cần gọi điện cho mình hỏi anh em có vướng mắc gì không, mình báo cáo là xe tạm thời đã lưu thông được rồi. Trong thâm tâm mình nghĩ, nếu chưa lưu thông được thì cũng cố gắng tìm cách tháo gỡ, chỉ một dự án nho nhỏ này, nhà còn bao việc, huống gì một người đứng đầu cả thành phố như ông. Vậy mà Bí Thư vẫn chu đáo nhắn tin cho mình: “Cái khó của chống dịch là nhiều vấn đề rắc rối không lường trước, nên linh hoạt, xử lý phát sinh là quyết định”. Ông cũng cảm ơn các anh em tình nguyện viên, nhà hảo tâm đã chung tay giúp thành phố lúc này.

Sài Gòn đêm nay đầy sao, về nhà thấy chị lao công của chung cư, nở nụ cười mãn nguyện khi vừa nhận được túi quà đầy đủ thực phẩm từ chú bộ đội: “Thành phố mình tài thật, nói được là làm được, thế mà mấy ngày trước, chị cứ nhấp nhổm lo thiếu ăn, rồi nửa tin, nửa ngờ”.

Vâng chị, Trung tâm An sinh thành phố đã vận động được trên 1.861.000 túi quà. Mô hình đi chợ hộ đã hoàn toàn thành công khi mỗi ngày, tổ cung ứng hàng hóa của các địa phương đã tổ chức đi chợ cho khoảng 20% tổng hộ dân.

Mình chợt tự trách bản thân khi mấy ngày trước đây, đã có những phút yếu lòng, tiêu cực, nhất là khi nhận tin một tình nguyện viên trẻ định quyên sinh, khi bố em đã trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện dã chiến, khi xe oxy không lưu thông được, khi mình nếu không nhờ sự trợ giúp của Sở Thông tin và Truyền thông cho giấy đi đường nhanh chóng thì cũng không thể chạy đôn đáo vừa làm bài vừa chung tay cứu người.

“Quân lệnh như sơn”, sự kiểm soát nghiêm khắc sẽ giúp chúng ta giảm lưu lượng người ra đường, đẩy lùi dịch bệnh, nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn cho những trường hợp cần kíp, những cá nhân cụ thể, quan trọng là mỗi người đều phải sáng tạo, xử lý mềm dẻo phát sinh, là mỗi chúng ta đều có lòng thông cảm vì mục tiêu lớn hơn và không để mất niềm tin.

Đã yêu nhau, xin hãy tin yêu. Dẫu tình yêu có lớn đến đâu, có cồn cào trăm bề bão nổi, có xốn xang nước lũ thác ghềnh nhưng thiếu niềm tin thì trước sau, tình nào cũng chỉ là gió thổi mây bay.

“Em đã yêu Sài Gòn, đã chọn ở lại cùng Sài Gòn, hãy yêu tận cùng, tin tưởng tận cùng, nhé em”, một người thầy từ Hà Nội nhắn mình như vậy!

Tham công tiếc việc, tranh thủ có giấy đi đường thì trao oxy xong, mình tranh thủ giúp doanh nhân Quốc Anh đi trao gạo mắm thịt cá cho hộ dân nghèo
Tham công tiếc việc, tranh thủ có giấy đi đường thì trao oxy xong, mình tranh thủ giúp doanh nhân Quốc Anh đi trao gạo mắm thịt cá cho hộ dân nghèo

Mình rời khỏi cánh cổng uy nghi của UBND TP, đau đáu với đề xuất của dự án mới, “Bus không đồng Oxy”, “Taxi không đồng Oxy”. Một khoảng trời xanh biếc, thanh thản những đàn bồ câu nhặt thóc ai đó đã vãi ra trên đường Nguyễn Huệ, thanh thản là một ký giả kiêm tình nguyện viên, được bày tỏ và ghi lại chân thực những thăng trầm trong ngày tháng khó khăn này của thành phố.

Cũng như lúc mình thành thực bật khóc với lãnh đạo thành phố khi đề xuất vài giải pháp cho các F0 là trẻ em, xuất phát từ việc cảm nhận những lo âu của một người mẹ không thể gặp hai con nhỏ sống trong khu phong tỏa phường An Lạc đã 28 ngày như mình.

Đã chống dịch thì mỗi người phải làm gương, một gia đình nhỏ còn rối bời, huống chi cả gia đình lớn là thành phố.

Vậy mà giữa bộn bề công việc, lãnh đạo TP vẫn ngay lập tức triển khai trung tâm điều trị nuôi dưỡng F0 là trẻ em khi cha mẹ chưa khỏi bệnh.

19h tối hôm ấy mới họp xong, mình rất bất ngờ khi Phó Bí thư Phan Văn Mãi nán lại, ông đi về cuối hội trường ân cần hỏi thăm chia sẻ khó khăn của mẹ con mình, động viên mình vững vàng chung tay chống dịch. Một vị lãnh đạo rất thấu cảm và gần gũi. Hôm kia ông nhậm chức tân chủ tịch UBND thành phố, lẽ ra họp báo lúc 10h30 phút nhưng phải đến gần 1h trưa mới bắt đầu, vậy mà mình và anh em báo chí vẫn chờ đợi. Những gì ông nói sau phút nhậm chức, vẫn chậm rãi, khúc chiết, chân thành và gần gũi như thế.

Rốt cuộc thì chúng ta sẽ được gì khi sắt son lạc quan, tin yêu đất và người Sài Gòn. Được nhiều tình thương yêu, được bản lĩnh, trí tuệ, để vượt qua đại dịch và được trưởng thành, mạnh mẽ hơn trong những tháng ngày bi thương khốc liệt.

Còn mạnh mẽ vươn về phía mặt trời là còn sự sống, còn lạc quan, còn niềm tin thì sẽ hạnh phúc. Mong mỏi hết những ngày tháng khốn khó, để mình lại được sải cánh chim tự do, ngồi ngắm bình mình dưới gốc cây Trường Tổn, để sống chậm và trân quý cuộc sống này hơn.

Hong khô nỗi buồn, ươm mầm xanh, và trên hết tin rằng, cuộc đời còn dài, tình còn đầy, người thương yêu mình vẫn đó đây, hé cửa để ban mai lẻn vào, và bắt đầu một ngày rất mới để chia sẻ niềm thương yêu, tin tưởng và hy vọng.

Love All!

Chia sẻ từ nhà báo Hoàng Anh

Xem thêm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Ôm chặt em nhé anh!

Nhật ký chống dịch Covid-19: Ôm chặt em nhé anh!

18h tối, mình chầm chậm đi qua những con đường sành điệu nhất của Sài Gòn, chờ bác sỹ Lanh trong đoàn 400 bác sỹ vào chia lửa với lực lượng y tế của TP. Đêm qua em và các bạn đáp Tân Sơn Nhất thì hôm nay đã quần quật với công việc ở BV dã chiến số 16.

Có thể bạn quan tâm

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Nhật ký chống dịch Covid-19: Vì yêu Sài Gòn!

Hồi trung tuần tháng 7, mạng xã hội lan truyền bức ảnh chụp lại khoảnh khắc một nhóm tình nguyện viên mặc áo xanh trong trang phục bảo hộ kín mít, ngồi choàng vai nhau trên thùng chiếc xe bán tải, dưới cơn mưa tầm tã như trút nước.