Kết thúc phiên 20/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 401,37 điểm (+1,03%) lên 39.512,13 điểm, S&P 500 thêm 46,11 điểm (+0,89%) thành 5.224,62 điểm và Nasdaq Composite tăng 202,62 điểm (+1,25%) đóng cửa ở mức 16.369,41 điểm.
9 trong số 11 lĩnh vực chính của S&P đều tăng điểm, trong đó có 5 lĩnh vực tăng hơn 1%. Hàng tiêu dùng tùy ý dẫn đầu với mức tăng 1,5%. Ngành y tế có hoạt động yếu nhất, giảm 0,23%.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cổ phiếu BioNTech niêm yết tại Mỹ giảm 4,4% sau khi báo cáo doanh thu và thu nhập năm 2023 sụt giảm do chuyển trọng tâm sang phát triển thuốc điều trị ung thư. Cổ phiếu của nhà sản xuất vaccine Covid-19 Moderna cũng mất 1,9% trong khi Novavax trượt 2,2%.
Động lực lớn nhất đối với lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu là Amazon.com, với cổ phiếu của nền tảng thương mại điện tử leo 1,3%.
Thêm vào đó là Tesla, tăng 2,5% sau khi xác nhận với Reuters rằng họ sẽ tăng giá xe Model Y tại thị trường Trung Quốc thêm 5.000 nhân dân tệ (694,55 USD) kể từ ngày 1/4.
Cũng trong lĩnh vực tiêu dùng, cổ phiếu Chipotle Mexican Grill tăng 3,5% nhờ thông báo hội đồng quản trị của công ty đã thông qua việc chia cổ phiếu phổ thông theo tỷ lệ 50:1.
Khối lượng trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,67 tỷ cổ phiếu, thấp hơn với mức trung bình 12,2 tỷ trong 20 phiên gần đây.
Về khía cạnh kinh tế, tuyên bố chính sách mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mô tả lạm phát vẫn ở mức cao, đồng thời nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế và hạ dự báo tỷ lệ thất nghiệp so với ước tính đưa ra vào tháng 12/2023.
Quyết định của Fed đã giữ lãi suất ở mức 5,25% - 5,50%, nhưng các nhà hoạch định chính sách đã lưu ý về khả năng cắt giảm 0,75 điểm phần trăm vào cuối năm 2024.
Thị trường chứng khoán bắt đầu tăng tốc sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong cuộc họp báo rằng mặc dù dữ liệu lạm phát gần đây nóng hơn dự kiến, nhưng các con số không thực sự thay đổi toàn cảnh bức tranh kinh tế. Ông nhấn mạnh, lạm phát đúng là đang có xu hướng giảm dần nhưng trước mắt vẫn là một con đường gập ghềnh.
Giới chiến lược gia nhận xét, Phố Wall đang thấy yên tâm hơn qua những bình luận của ông Powell về lạm phát và thị trường lao động cũng như tín hiệu của ông rằng Fed sẽ làm chậm tốc độ giảm lượng trái phiếu nắm giữ.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu chịu áp lực vào phiên 20/3 do đồng USD mạnh hơn khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho thông báo chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào cuối ngày. Bên cạnh đó, mối lo ngại về nhu cầu tiếp tục đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư.
Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 5 giảm 1,43 USD, tương đương 1,64%, ở mức 85,95 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu WTI giảm 1,79 USD, tương đương 2,14%, ở mức 81,68 USD/thùng.
Mặc dù có dấu hiệu giảm nhẹ, nhưng cả hai hợp đồng vẫn ở gần mức cao nhất kể từ tháng 11/2024 nhờ diễn biến tăng mạnh trong những phiên gần đây trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu nguồn cung toàn cầu thắt chặt hơn.
Sau khi theo dõi cuộc họp của Fed, ông Andrew Lipow, chủ tịch Hiệp hội Dầu Lipow, cho biết quyết định lãi suất của Fed nằm trong dự đoán, do đó các tác động đến thị trường dầu mỏ sẽ là hạn chế.