Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan rà soát các mặt hàng XK, NK hiện đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, cấp nhiều chứng từ kiểm tra chuyên ngành để thống nhất đề xuất phương án đổi mới kiểm tra chuyên ngành phù hợp theo hướng giảm các loại giấy tờ, chứng nhận kiểm tra chuyên ngành nhưng vẫn bảo đảm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đầy đủ các chỉ tiêu, yêu cầu cần thiết về chất lượng an toàn thực phẩm, kiểm dịch, môi trường…
"Theo rà soát của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), nhiều mặt hàng XK, NK hiện đang chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành khi làm thủ tục hải quan theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ ban hành.
Đơn cử như các mặt hàng: Nguyên liệu sản xuất bánh, kẹo (nguồn gốc động vật); trứng và các sản phẩm từ trứng; nhóm các sản phẩm từ động vật đã chế biến, đóng gói (thịt hộp, cá hộp, xúc xích, mật ong…); mật ong, tổ yến; thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản. Các mặt hàng này vừa phải kiểm dịch động vật/thủy sản vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Mặt hàng thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, thủy sản có nguồn gốc từ động vật như: Bột cá, bột xương, bột thay thế sữa bột, bột gan mực nhão, dầu cá… vừa phải kiểm dịch động vật/thủy sản vừa phải kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hay nhóm sản phẩm xây dựng (gạch, đá, kính) vừa phải kiểm tra chất lượng vừa phải chứng nhận hợp quy theo các quy định của Bộ Xây dựng. Mặt hàng khí hóa lỏng LPG để có thể thông quan hàng hóa cần phải đáp ứng quy định về kiểm tra chất lượng và Giấy chứng nhận hợp quy theo các quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nhiều mặt hàng trang thiết bị y tế như: Máy thở, máy X-quang chẩn đoán thông thường, thiết bị truyền dịch dùng trong y tế, máy theo dõi oxy để giám sát khí thở của bệnh nhân, máy làm giàu oxy dùng trong y tế để NK phải kiểm tra chất lượng theo Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư 44/2011/TT-BYT của Bộ Y tế; đồng thời phải được cấp phép NK theo Thông tư 30/2015/TT-BYT của Bộ Y tế.
Không chỉ chịu sự quản lý của nhiều đơn vị trong cùng một bộ, rất nhiều mặt hàng còn thuộc sự quản lý của nhiều bộ khác nhau. Chẳng hạn, mặt hàng “Chlorothalanil 98%” là nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi NK vừa phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng của Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật, vừa phải khai báo hóa chất NK theo quy định của Bộ Công Thương.
Mặt hàng phân bón chịu sự quản lý của cả hai bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương. Mặt hàng sữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế cùng quản lý. Mặt hàng “xe nâng” thuộc ba bộ quản lý: Công Thương, Lao động-Thương bình và Xã hội, Giao thông vận tải.
Hay như mặt hàng “nồi hơi”, để làm thủ tục nhập khẩu, DN phải “gõ cửa” hai bộ gồm: Công Thương, Lao động-Thương binh và Xã hội để làm các thủ tục kiểm tra chất lượng theo quy định tại Quyết định 41/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương, kiểm tra chất lượng theo Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và giám định hiệu suất năng lượng theo Quyết định 78/2013/QĐ-TTg.
Thậm chí, nhóm các mặt hàng là thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải trải qua bốn hình thức quản lý gồm: Kiểm tra chất lượng; khai báo hóa chất (đối với một số mặt hàng thuộc danh mục khai báo hóa chất), xin Giấy phép NK (nếu không thuộc danh mục được phép lưu hành) và kiểm dịch (đối với một số mặt hàng thuộc danh mục kiểm dịch) theo các quy định của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Để khắc phục tình trạng trên, mới đây Bộ Tài chính đã kiến nghị các bộ: Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Y tế; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát kiến nghị bổ sung các mặt hàng chịu sự quản lý/kiểm tra của nhiều bộ, ngành hoặc các mặt hàng đã được xử lý. Đồng thời kiến nghị giải pháp nhằm tránh sự chồng chéo trong việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với một số mặt hàng XK, NK hiện hành. Các bộ cũng cần đề xuất phương án đổi mới kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo baohaiquan.vn