Nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu 2019

Mùa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm vẫn chưa bắt đầu nhưng một số ngân hàng đã hé lộ những con số lợi nhuận tích cực.
Nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu 2019

Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã: TPB) đã công bố kết quả kinh doanh trong 6 tháng vừa qua với lợi nhuận trước thuế đạt 1.620 tỷ đồng, tăng 596 tỷ đồng, tương đương hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 50,6% kế hoạch ĐHĐCĐ đã đề ra cho cả năm.

Chưa có con số chính thức nhưng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) cũng đã công bố lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 11.000 tỷ đồng, hoàn thành 54% kế hoạch cả năm 2019, cũng là con số cao kỷ lục trong nửa đầu năm ở nhà băng này. Tính ra, ngân hàng đã hoàn thành hơn một nửa kế hoạch ĐHĐCĐ thường niên 2019 đề ra. Trước đó, ĐHĐCĐ Vietcombank đã thống nhất thông qua chỉ tiêu lợi nhuận 20.000 tỷ trong năm 2019.

Với nhóm ngân hàng nhỏ, tính đến hết tháng 5/2019, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank đạt 426 tỷ đồng, hoàn thành 53% kế hoạch năm 2019. Trong trường hợp đà tăng trưởng được duy trì, Nam A Bank có thể hoàn thành hơn 60% kế hoạch năm sau nửa đầu năm 2019 và đạt đến mức cao kỷ lục sau 6 tháng kinh doanh. 

Trên thị trường chứng khoán, dựa trên thống kê của 17 ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên 2 sàn HoSE, HNX và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM thì số lượng mã giảm đã lấn át những mã tăng trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, tính theo mức giá của phiên 28/6, có 11/17 cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức giảm về thị giá trong 6 tháng đầu năm. Chỉ tính riêng trong quý II, có tới 14 nhà băng chứng kiến sự sụt giảm thị giá chứng khoán.

Mức sụt giảm lớn nhất đến từ cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với mức giảm 20,5% so với đầu năm; tiếp theo là cổ phiếu LPB của LienVietPostBank giảm 15% trong nửa đầu năm vừa qua.

Tuy lượng cổ phiếu giảm chiếm đa số, song ngoại trừ 2 mã chứng khoán trên, mức sụt giảm của hầu hết các cổ phiếu còn lại khá thấp, chủ yếu dưới 5%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu EIB của Eximbank đã vượt VCB để trở thành mã cổ phiếu ngân hàng có mức tăng cao nhất với 34,3% so với đầu năm.

Mức tăng của EIB diễn ra trong bối cảnh ngân hàng đang vướng phải khá nhiều lùm xùm về vấn đề nhân sự cấp cao trong 6 tháng đầu năm. Tuy vậy, bất chấp những yếu tố bất lợi đến từ nội tại nhà băng EIB đang nằm ở vùng đỉnh lịch sử của cổ phiếu này. 

Không những thế, trong những phiên giao dịch quý II xuất hiện nhiều phiên giao dịch thỏa thuận khối lượng "khủng" cổ phiếu EIB, điển hình nhất là gần 60 triệu cổ phiếu được sang tay trong phiên ngày 3/4 với giá trị thỏa thuận lên tới 1.071 tỷ đồng.

Chỉ tăng 4,8% trong quý II song những thành quả đạt được trong quý I đã giúp VCB tăng 31,5% trong 6 tháng đầu năm. Nhà băng này vẫn đang đứng hạng nhất về thị giá trong nhóm cổ phiếu ngân hàng với 70.500 đồng/cp chốt cuối tháng 6.

>> Xáo trộn lớn trong xếp hạng lợi nhuận ngân hàng

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...