Sau khoảng thời gian dài “chạy đua” tăng lãi suất huy động ở các kỳ gửi từ 12 tháng trở lên, tiền gửi tiết kiệm 6 tháng hiện nay cũng là kỳ hạn có chênh lệch lãi suấtgiữa các nhóm ngân hàng khá cao lên tới 2,1% năm, thậm chí mức chênh lệch còn lên tới 2,71% nếu gửi tiền qua kênh online.
Cụ thể, trong khi nhóm 10 ngân hàng lớn (xét theo quy mô tiền gửi của khách hàng) đưa ra mức lãi suất huy động dưới 7%/năm thì nhóm ngân hàng cỡ nhỏ đều niêm yết trên 7%.
Hiện, Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank là 4 ngân hàng có lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng thấp nhất, đều ở 5,5%/năm. Tuy nhiên, đây cũng chính là 4 ngân hàng có lượng tiền gửi của người dân cao nhất hệ thống hiện nay, ước đạt 3,723 triệu tỷ vào cuối năm 2018. Hiện 4 nhà băng này cũng đang nắm giữ gần 50% lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Nhóm ngân hàng thương mại lớn như MBBank, Sacombank, Techcombank… hiện niêm yết lãi suất kỳ hạn 6 tháng vào khoảng 6,5%/năm. Trong khi VPBank, SHB, GPBank… đưa ra mức lãi suất trên 7%/năm.
Một số ngân hàng đang dẫn đầu thị trường khi trả lãi suất lên tới 8%/năm đến 8,21%/năm cho các kỳ hạn huy động tiền đồng từ 6 tháng trở lên gồm NamABank, CBBank và SCB. Đáng chú ý tại SCB, mức lãi suất huy động chỉ riêng ở kỳ hạn 6 tháng sẽ tăng dần từ 8,03%/năm lên 8,21%/năm tương ứng với số tiền gửi tăng dần.
Đáng chú ý, chính sách tăng lãi suất tiền gửi với các khoản gửi qua kênh online thay vì gửi tại quầy đang được hầu hết các ngân hàng áp dụng. Thậm chí, ngân hàng lớn như Vietinbank hiện cũng đưa ra lãi tiền gửi online cao hơn 0,3% so với gửi trực tiếp tại quầy.
Theo đó, nếu gửi qua kênh online, khách gửi tiền của Vietinbank sẽ nhận được mức lãi suất 5,8%/năm với kỳ hạn 6 tháng, thay vì 5,5% như niêm yết. Nếu gửi kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất khách gửi online của Vietinbank nhận được cũng sẽ là 7,3% (so với 7% gửi tại quầy).
Hay như MSB, nếu gửi dưới 1 tỷ đồng trực tiếp tại quầy của ngân hàng này, mức lãi suất được hưởng với kỳ hạn 6 tháng là 6,7%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 7,2%. Tuy nhiên, nếu gửi qua kênh online, mức lãi suất này sẽ tăng lên 7,5% với kỳ hạn 6 tháng và 7,7% với kỳ hạn 12 tháng.
Nhiều ngân hàng khác cũng đưa ra ưu đãi lãi suất với các khoản tiền gửi 6 tháng qua kênh online như Eximbank 7,5% (cao hơn 1,9%); Baovietbank 7,4% (cao hơn 0,55%); ACB 7% (cao hơn 0,3% gửi tại quầy); Techcombank 6,6% (cao hơn 0,4%)…
Trước đó, NHNN đã có văn bản cảnh báo đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về lãi suất huy động. Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm quy định về lãi suất huy động.
Yêu cầu của NHNN được đưa ra sau khi gần đây, một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi bằng VNĐ nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao. Động thái tăng lãi suất này tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến và tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn trên thị trường tiền tệ.
Do đó, để bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu…, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất. Kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm quy định nội bộ và quy định pháp luật trong hoạt động huy động vốn...
>> VPBank tặng ngay 300.000 đồng khi gửi tiết kiệm trực tuyến qua CDM/ATM