NHNN bơm ròng trở lại thị trường 15.000 tỷ đồng

Trong cả 5 phiên giao dịch trong tuần trước (21-15/10), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đều đặn bơm ròng trả lại 3.000 tỷ đồng/phiên.
NHNN bơm ròng trở lại thị trường 15.000 tỷ đồng

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB vừa có bản cập nhật những diễn biến đáng chú ý gần đây ở hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, gắn với trạng thái vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng và lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng.

Bản cập nhật cho biết, từ nguồn cung VND đối ứng của hoạt động mua vào ngoại tệ trước đó, thanh khoản hệ thống thường xuyên ở trạng thái rất dồi dào, NHNN liên tục phải duy trì quy mô tín phiếu ở mức cao từ 15.000 – 18.000 tỷ đồng/phiên để hút tiền về.

Theo giới chuyên môn đánh giá, hành động trên từ phía nhà điều hành chủ yếu nhằm trung hoà bớt tác động của lượng tiền VND cung ứng. Và sau khi thị trường dần trở lại cân đối, lượng tiền này sẽ từng bước được "ngấm" dần ra thị trường.

Thực tế cho thấy, trong cả 5 phiên tuần qua, NHNN đều đặn bơm ròng trả lại 3.000 tỷ đồng/phiên. Khối lượng tín phiếu lưu hành giảm từ 87.000 tỷ đồng xuống mức 72.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày.

Ngân hàng Nhà nước đã đều đặn đưa một lượng tiền đồng nhất định ngấm trở lại thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở.

Ngày 9/10/2019, NHNN tiếp tục giảm lãi suất tín phiếu thêm 0,25 điểm phần trăm xuống 2,25%/năm cho kỳ hạn 1 tuần, đây là lần giảm thứ 3 trong năm 2019 với mức giảm tổng cộng 0,75 điểm phần trăm.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế MSB, lãi suất tín phiếu vốn được coi là mức chặn dưới đối với lãi suất trên liên ngân hàng nhưng kể từ sau đợt giảm về mức 2,25%/năm, lãi suất liên ngân hàng cùng kỳ hạn có nhiều thời điểm vẫn liên tục ở dưới ngưỡng này (giao dịch quanh 1,92 - 1,98%/năm). Tuy nhiên, lãi suất VND liên ngân hàng đã bắt đầu tăng trở lại.

Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng VND tăng ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt tuần, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức qua đêm 2,06% (+0,28 điểm phần trăm); 1 tuần 2,16% (+0,19 điểm phần trăm); 2 tuần 2,34% (+0,11 điểm phần trăm); 1 tháng 2,60% (+0,07 điểm phần trăm).

Trái lại, lãi suất liên ngân hàng USD giảm ở hầu hết các kỳ hạn, riêng kỳ hạn 1 tháng không đổi trong tuần vừa qua. Cuối tuần 25/10, lãi suất đứng ở mức qua đêm 1,99% (-0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 2,12% (-0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 2,24% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,44% (không đổi).

Do trạng thái chênh lệch âm giữa lãi suất VND và USD ở một số kỳ hạn biến mất, áp lực lên tỷ giá cũng không còn. Kết thúc phiên cuối tuần, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.200 VND/USD, giảm nhẹ 3 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng biến động giảm 5 đồng ở chiều mua vào và tăng 5 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.185 - 23.210 VND/USD.

Đáng chú ý, trên thị trường, nhu cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ trên thị trường sơ cấp rất lớn, thể hiện ở tỷ lệ trúng thầu trong tháng 10 đạt tới 100%, tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu ở mức 4 lần và mỗi phiên đấu thầu thu hút từ 9 - 15 thành viên tham gia.

Nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ lớn trong bối cảnh lãi suất VND - giá vốn trên liên ngân hàng ở mức rất thấp khiến lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn giảm sâu và hiện đang ở vùng đáy trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tính trong tháng 10, lãi suất trúng thầu đã giảm từ 0,3 - 0,6%/năm; tính từ đầu quý III đến nay, lãi suất trúng thầu đã giảm mạnh tới 0,8 - 1,2%/năm, về mức: kỳ hạn 5 năm 2,85%/năm, 7 năm 3%/năm, 10 năm 3,56%/năm.

Thông tin NHNN hạ lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ trên thứ cấp giảm mạnh. Hiện tại, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tại 2,64%/năm, 7 năm tại 3,1%/năm và 10 năm tại 3,67%/năm.

Xem thêm

NHNN giảm lãi suất điều hành: Không chỉ là liệu pháp tâm lý

NHNN giảm lãi suất điều hành: Không chỉ là liệu pháp tâm lý

Trước mắt, động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN được đánh giá là chỉ có thể giúp các ngân hàng giảm chi phí nhờ tận dụng được nguồn vốn giá rẻ, tuy nhiên, xét về dài hạn đây không hẳn chỉ là một “liệu pháp tâm lý” mà sẽ có sức lan toả.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...