NHNN giảm lãi suất điều hành: Không chỉ là liệu pháp tâm lý

Trước mắt, động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN được đánh giá là chỉ có thể giúp các ngân hàng giảm chi phí nhờ tận dụng được nguồn vốn giá rẻ, tuy nhiên, xét về dài hạn đây không hẳn chỉ là một “liệu pháp tâm lý” mà sẽ có sức lan toả.
NHNN giảm lãi suất điều hành: Không chỉ là liệu pháp tâm lý

Từ ngày 16/9, các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã được cắt giảm 0,25 điểm phần trăm. Đây là lần giảm lãi suất điều hành đầu tiên của NHNN kể từ tháng 10/2017.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu suy giảm ngày càng tăng và nhiều ngân hàng trung ương các nước khác trên thế giới đã cắt giảm lãi suất, đặc biệt tần suất ngày càng gia tăng sau khi Trung Quốc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ vào đầu tháng 8/2019.

Chưa thể đo đếm tác động khi giảm lãi suất điều hành

Đợt giảm lãi suất lần này cũng đánh giá lần thứ 11 giảm lãi suất điều hành của NHNN tính từ tháng 10/2011 đến nay, thời điểm mà lãi suất tái cấp vốn đang ở mức cao kỷ lục 15% còn lãi suất tái chiết khấu là 13%. Điều này đã chứng minh được nỗ lực của nhà điều hành trong việc điều tiết vĩ mô, kéo mặt bằng lãi suất đi xuống và giữ ổn định trong suốt 8 năm qua mang đến kỳ vọng về một sự ảnh hưởng tích cực đến lãi suất trên thị trường, xoa dịu đợt tăng nóng của lãi suất thời gian qua.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS.Cấn Văn Lực - thành viện Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng “Quyết định giảm lãi suất điều hành là động thái phù hợp ở thời điểm hiện tại bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, khó khăn, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp”.

Nỗ lực của các nhà điều hành là không thể phủ nhận nhưng vẫn có một số ý kiến cho rằng, động thái giảm lãi suất này chỉ mang tính định hướng, đơn thuần là “liều thuốc” tâm lý với thị trường chứ khó có thể tác động lên mặt bằng lãi suất hiện nay. Mặt khác, ở Việt Nam với sự rời rạc và tách biệt giữa hai thị trường là 1 (thị trường cho vay dân cư, DN) và 2 (thị trường liên ngân hàng) cũng khiến những lợi ích vẫn chưa được thể hiện rõ ràng.

Hiện tại, NHNN điều hành chính sách tiền tệ trực tiếp thông qua các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2), không phải qua trung gian là lãi suất điều hành như các nước khác. Thế nhưng có một thực tế rằng, việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, đồng thời hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng.

Trên phương diện chi phí vốn, có thể nhận thấy, các ngân hàng có khoản vay lớn từ NHNN sẽ trực tiếp được hưởng lợi bởi lẽ nhóm này thường xuyên sử dụng nghiệp vụ tái cấp vốn và tái chiếu khấu, các kênh cầm cố trên thị trường mở (OMO). Tính đến ngày 30/6/2019, nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đang là những ngân hàng có nợ NHNN cao nhất hệ thống. Trong đó, BIDV hiện đang có số dư cao nhất với hơn 10.000 tỷ đồng; tiếp đó là Vietcombank là 5.700 tỷ đồng; Vietinbank xếp thứ 3 với hơn 3.000 tỷ đồng.

Còn tại Agribank, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018, số dư nợ vay NHNN cuối năm 2018 là 1.783 tỷ đồng. Theo đó, với việc được giảm 0,25% lãi suất mỗi đơn vị có thể tiết kiệm được từ 8-26 tỷ đồng chi phí lãi vay mỗi năm.

Không chỉ nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước được hưởng lợi mà các tổ chức tín dụng yếu kém cũng có cơ hội.

Hành động này của Ngân hàng Nhà nước sẽ có sức lan toả? 

Việc tiết kiệm được chi phí lãi vay tuy chỉ là con số nhỏ so với lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mà các ngân hàng đạt được hàng năm nhưng ở một góc độ khác, lãi suất chiết khấu mới được điều chỉnh đang thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với lãi huy động có kỳ hạn của các ngân hàng này. Điều này thúc đẩy ngân hàng tìm kiếm các khoản vay tái chiết khấu để có thêm nguồn vốn phát triển kinh doanh thay vì huy động từ dân cư. Nếu khoản vay lớn thì tỷ lệ tiết kiệm do chênh lệch lãi suất càng cao.

Giả sử, ngân hàng huy động được 10.000 tỷ đồng so với mức lãi suất huy động thấp nhất là 4,5% cho kỳ hạn một tháng và cao nhất là 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng sẽ mất tới 450-700 tỷ đồng/năm chi phí trả lãi thì việc vay NHNN một khoản tương đương chỉ phải bỏ ra 400 tỷ đồng. Vay NHNN đã giúp các ngân hàng thương mại giảm 50-300 tỷ đồng chi phí huy động, miễn là vẫn đảm bảo được các tỷ lệ an toàn thanh khoản theo quy định.

Không chỉ nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước được hưởng lợi mà các tổ chức tín dụng yếu kém cũng có cơ hội. Bởi lẽ lãi suất tái chiết khấu áp dụng đối với việc cầm cố giấy tờ có giá và với một số trường hợp đặc biệt, NHNN có thể xem xét cho ngân hàng vay được thế chấp hồ sơ tín dụng. Như vậy những ngân hàng yếu kém có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ có chi phí thấp hơn.

Về lý thuyết, khi giá vốn rẻ hơn trên thị trường liên ngân hàng và môi trường thanh khoản được kỳ vọng tiếp tục dồi dào sẽ tạo cơ sở để các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất đầu ra, hoặc ít nhất là không tăng. Trong khi đó, động thái giảm lãi suất lần này của NHNN đã thể hiện rõ định hướng muốn kéo lãi suất giảm, các ngân hàng cũng không thể nằm ngoài xu thế.

Trong thời gian gần đây, NHNN cũng đang tăng cường kiểm soát dòng chảy tín dụng và đưa ra chủ trương hỗ trợ các DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Bằng chứng là NHNN đã có hàng loạt động thái như nhóm “big 4” đã tiên phong giảm 0,5% lãi suất cho vay với các nhóm ngành ưu tiên, xử lý nghiêm các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất trong đó có việc cắt giảm tăng trưởng tín dụng, kiểm soát chặt cho vay BĐS, trái phiếu BĐS của các ngân hàng.

Về lâu dài, rất có thể nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng sẽ “đồng lòng” cùng NHNN hướng tới mục tiêu giảm lãi suất mà không cần phải dùng đến những biện pháp nới nỏng hay bơm tiền vào nền kinh tế.

Hơn nữa, nếu có thể kìm chân lãi suất và giữ ổn định trở lại, cũng sẽ gián tiếp giúp giảm bớt sức hấp dẫn của tiền đồng (VND), khi mà thời gian qua, VND có dấu hiệu tăng giá trở lại so với USD và nhiều đồng tiền khác như nhân dân tệ của Trung Quốc hay đồng won của Hàn Quốc, ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động thương mại của Việt Nam theo hướng giảm lợi thế xuất khẩu và các DN tăng cường nhập khẩu.

Xem thêm

Ngân hàng Nhà nước "cứu" cổ phiếu ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước "cứu" cổ phiếu ngân hàng

Sau thông tin NHNN bất ngờ giảm lãi suất điều hành, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đã bứt phá, đặc biệt là VCB thiết lập mức đỉnh mới hỗ trợ thị trường phục hồi tích cực trong phiên giao dịch cuối tuần.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...