Từ cuối tuần trước, lãi suất liên ngân hàng liên tục hạ nhiệt sau khi NHNN bơm mạnh thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Trong thời gian 1/11 – 7/11, NHNN đã có 5 phiên giao dịch ở trạng thái bơm ròng với tổng lượng cung ứng cho hệ thống ngân hàng đạt hơn 86.600 tỷ.
Theo đó, số dư kênh mua kỳ hạn tăng mạnh trên 106.000 tỷ trong những phiên cuối tuần trước. Đồng thời, NHNN đã bơm tiền với kỳ hạn dài hơn (14 ngày), đồng thời tạm dừng phát hành tín phiếu hút tiền về.
Hiện, lãi suất vay mượn VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính 90% giá trị giao dịch) đã giảm về còn 6,01%/năm. Từ mức 6,21%/năm ghi nhận vào cuối tuần trước 4/11. Lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng và 6 tháng cũng có xu hướng giảm, trong khi tăng ở kỳ hạn 2 tuần và 3 tháng.
Như vậy, lãi suất vay mượn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm về sát các mức lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn (6%/năm) và lãi suất trúng thầu OMO (6%/năm).
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng lãi suất liên ngân hàng khó có thể xuống dưới ngưỡng chặn 6%/năm. Nguyên nhân là do NHNN muốn duy trì một chênh lệch lãi suất đủ lớn giữa VND - USD để giảm áp lực lên tỷ giá.
Ghi nhận trên thị trường ngoại tệ cho thấy tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn chưa có tín hiệu hạ nhiệt. Hiện nhiều ngân hàng còn tăng mạnh giá mua và giảm giá bán.
Trong khi, ngày hôm qua (8/11), NHNN chuyển sang hút ròng 3.253 tỷ đồng sau chuỗi ngày bơm thanh khoản liên tục vào đầu tháng 11.
Bên cạnh đó, dù không thông báo tăng lãi suất OMO nhưng trong những phiên gần đây, NHNN đã chuyển sang hình thức đấu thầu khối lượng với lãi suất cố định từ mức 5%/năm lên 6%/năm. Điều này càng thể hiện rõ định hướng nâng mặt bằng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng của NHNN.
Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, lãi suất liên ngân hàng trong tuần này sẽ có diễn biến hạ nhiệt, nhưng vẫn sẽ dao động quanh mặt bằng 5-7% từ nay tới cuối năm. Lãi suất liên ngân hàng khó có thể hạ nhiệt mạnh như thời điểm đầu năm.
Còn Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định lãi suất liên ngân hàng vẫn còn dư địa tăng. Nguyên nhân là do, ngoài mức tăng chung theo mức tăng lãi suất của các NHTW, các tháng cuối năm theo yếu tố mùa vụ là thời điểm nhu cầu thanh khoản tăng lên phục vụ cho các nhu cầu thanh toán cuối năm.