Theo đó, thời gian qua, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Gia Lai... đã tác động tiêu cực đến đời sống, xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Để hỗ trợ khắc phục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19, NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới... theo thẩm quyền và theo quy định.
Đặc biệt, triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định. Cùng với đó, thông tin đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chủ động xử lý những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai của các TCTD.
Riêng đối với NHNN chi nhánh tỉnh Hải Dương: do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và còn có thể kéo dài, đề nghị NHNN chi nhánh chỉ đạo các TCTD trên địa bàn khẩn trương rà soát, phối hợp chính quyền địa phương đánh giá tình hình khó khăn, thiệt hại do dịch Covid-19.
“Trên cơ sở đó, xây dựng kịch bản của ngành ngân hàng, đề xuất các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, báo cáo NHNN thông qua Vụ Tín dụng các ngành kinh tế”, văn bản nêu rõ.
Trong thời gian qua, nhìn vào lãi suất huy động ngày càng giảm, lợi nhuận của nhiều nhà băng tăng mạnh trong năm qua nhưng lãi suất cho vay vẫn duy trì khá cao, nhiều doanh nghiệp mong chờ một tín hiệu giảm lãi suất cho vay thực sự ở ngân hàng để có thể tiết giảm chi phí, vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2021. Đây không chỉ là mong muốn của khách hàng mới, mà còn của những khách hàng đang có khoản vay tại các ngân hàng.
Theo đại diện của một công ty xuất khẩu, doanh nghiệp đang phải vay ngân hàng với lãi suất ngắn hạn trên 8%/năm và trung dài hạn khoảng 10%/năm. Đây là mức lãi suất khá cao trong bối cảnh đại dịch tiếp tục tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
"Tôi có liên hệ ngân hàng xin điều chỉnh giảm lãi suất vay để bớt áp lực tài chính nhưng không thấy phản hồi, mặc dù chúng tôi là khách hàng quen, luôn trả lãi đầy đủ và chưa từng quá hạn”, vị đại diện này cho hay.
Trong khi đó, một doanh nghiệp sản xuất nông sản cũng cho biết, trước đây, doanh nghiệp bán hàng xong thu tiền về trong vòng 30 ngày thì nay phải tới 60 ngày mới nhận được, vòng quay vốn bị chậm nên rất cần ngân hàng miễn giảm bớt lãi vay để giảm gánh nặng tài chính.
Theo đánh giá của chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực: "Các doanh nghiệp luôn kỳ vọng lãi suất vay càng thấp càng tốt để hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, lãi vay còn chịu tác động điều chỉnh của các yếu tố khác nữa, như kỳ vọng lạm phát, lãi suất đầu vào, mức độ rủi ro của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, chi phí giao dịch. Cả 4 yếu tố này đều đang ở mức cao hơn so với khu vực và thế giới, nên mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn nhỉnh hơn so với khu vực".