Những dấu hiệu không minh bạch tại tòa nhà CT4, KĐT Xa La: Chủ đầu tư vi phạm luật Hình sự?

Từ những phản ánh của cư dân về việc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên chiếm dụng quỹ bảo trì, chiếm dụng phần sở hữu chung để kinh doanh... cho thấy Chủ đầu tư của KĐT này có những dấu hiệu vi phạm pháp luật Hình sự rất rõ ràng.

Ngày 09/10/2021 Thương gia có bài viết: "Cần làm rõ những dấu hiệu không minh bạch của Chủ đầu tư tại tòa nhà CT4, KĐT Xa La" phản ánh về những dấu hiệu không minh bạch của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên tại tòa nhà CT4, KĐT Xa La.

Về nội dung cư dân phản ánh Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên chiếm dụng quỹ bảo trì, chiếm dụng tầng hầm để tổ chức trông giữ xe... nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, doanh nghiệp này cùng những đơn vị có liên quan đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và tham ô tài sản quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Như đã thông tin ở bài trước, mặc dù được đưa vào sử dụng từ năm 2012, theo quy định lẽ ra Chủ đầu tư phải tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để thành lập Ban quản trị tòa nhà.

Tuy nhiên mãi đến tháng 01/2017 (tức sau gần 05 năm) Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên mới tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu và thành lập Ban quản trị nhà chung cư CT4 theo Quyết định số 468/QĐ-UBND quận Hà Đông.

Chiếu theo quy định tại điều 109, Luật Nhà ở, trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày Ban quản trị nhà chung được thành lập, Chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho Ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng (ước tính hơn 20 tỉ đồng).

Mặc dù vậy, từ khi Ban quản trị tòa CT4 được thành lập đến nay, dù đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu đến Chủ đầu tư nhưng đơn vị này vẫn không bàn giao quỹ bảo trì theo quy định của pháp luật. Chính vì kinh phí bảo trì không được bàn giao cho Ban quản trị để sử dụng vào công tác bảo trì tòa nhà, cho nên tòa nhà hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng mà không được sửa chữa bảo trì.

Chủ đầu tư chiếm dụng phần sở hữu chung để trông giữ xe

Theo Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 15/9/2021 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp cơ quan công an trên địa bàn để xử lý đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định; kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế và xử lý nghiêm chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định. Việc cưỡng chế bàn giao phí bảo trì được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, với hành vi chiếm đoạt phí bảo trì như đã nói ở trên, Chủ đầu tư tòa nhà là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên cùng các cá nhân có liên quan đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

….

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


Điều 70 Luật Nhà ở 2005 (thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà CT4 Xa La là năm 2009, áp dụng Luật Nhà ở 2005) quy định: “Phần sở hữu chung trong nhà chung cư bao gồm: a) Phần diện tích nhà còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng quy định tại khoản 2 Điều này; b) Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư, gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, nơi để xe, hệ thống cấp điện, nước, ga, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hoả và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của căn hộ nào; c) Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó.”Về hành vi chiếm đoạt nguồn thu từ các tầng hầm để xe trong tòa nhà, cư dân cho rằng hầm xe (nơi để xe tầng hầm) là phần sở hữu chung của tòa nhà Chung cư CT4 Xa La.

Bên cạnh đó, Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư CT4 khu nhà ở Xa La được ký kết năm 2009 đã nêu rõ căn cứ để ký hợp đồng là Luật nhà ở năm 2005. Nội dung về quyền sở hữu chung, sở hữu riêng cũng tuân thủ theo Luật nhà ở năm 2005, điều khoản cụ thể trong hợp đồng mua bán như sau:

“Điều 11: Cam kết đối với phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và các công trình dịch vụ của tòa nhà chung cư:
11.1. Bên mua được quyền sở hữu riêng đối với diện tích sàn căn hộ, Bên mua được quyền sử dụng đối với các phần diện tích thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư: Hành lang, lối đi chung, cầu thang, nơi để xe tầng hầm, thiết bị chống cháy, lối đi xung quanh, phòng sinh hoạt cộng đồng; 11.2. Các diện tich và hạng mục cóng trình thuộc quyền sở hữu riêng của Bên bán: Khu vực siêu thị, kiot kinh doanh tầng 1, và các diện tích còn lại khác không nêu ở mục 11.1.”.

Phần sở hữu chung được thể hiện rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ

Từ các căn cứ trên, có thể khẳng định nơi để xe ở tầng hầm (còn gọi là hầm để xe) là thuộc sở hữu chung của tòa nhà, không thuộc phần sở hữu riêng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Do đó, nguồn thu từ việc trông xe tầng hầm là thuộc sử hữu chung, phải được đưa vào kinh phí quản lý, vận hành tòa nhà.

Tuy nhiên, suốt hơn 9 năm qua, toàn bộ nguồn thu từ tầng hầm để xe đã bị đơn vị quản lý vận hành (Chi nhánh Dịch vụ nhà ở và quản lý Khu đô thị Mường Thanh) cùng Chủ đầu tư (Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên) chiếm đoạt mà không đưa vào hạch toán nguồn thu phục vụ việc quản lý vận hành nâng cao chất lượng dịch vụ của tòa nhà. Ước tính nguồn thu từ trông giữ xe tại 2 tầng hầm gửi xe của tòa nhà vào khoảng hơn 300.000.000 đồng/tháng.

Như vậy, nguồn thu từ hầm để xe Tòa nhà CT4 bị chiếm đoạt ước tính khoảng 35 tỉ đồng (từ năm 2012 đến nay), chưa trừ chi phí vận hành tầng hầm.

Với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền mà mình có trách nhiệm quản lý như trên, Chủ đầu tư tòa nhà là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, Chi nhánh Dịch vụ nhà ở và quản lý Khu đô thị Mường Thanh và các cá nhân có liên quan đã phạm tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

“Điều 353. Tội tham ô tài sản

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên…”

Có thể bạn quan tâm